Tái cơ cấu thủy sản theo hướng bền vững

Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững

Ngành thủy sản Việt Nam chưa phát triển bền vững, tỷ trọng giá trị gia tăng còn thấp, hiệu khai thác hải sản chưa cao.
Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển bền vững ảnh 1Ngư dân thành phố Tuy Hòa, Phú Yên khai thác cá ngừ đại dương. (Ảnh: Thế Lập/TTXVN)

Ngày 30/3, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy sản và triển khai đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.

Đây là một trong 18 chương trình hoạt động của Festival thủy sản Việt Nam năm 2014 được tổ chức tại tỉnh Phú Yên.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 3 chuyên đề về 3 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành thủy sản (2010-2013); công bố Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Các đại biểu đã thống nhất để phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ nay đến năm 2020 cần thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm gồm nâng cao giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm chủ lực gồm cá ngừ đại dương, tôm nuôi công nghiệp và cá tra hiện chiếm 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản; đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản, trong đó các sản phẩm cần được ưu tiên đầu tư như rong biển, nhuyễn thể hai vỏ, tôm hùm, tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh.

Các đại biểu nhất trí cho rằng cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về chuyển đổi khai thác hải sản từ gần bờ ra xa bờ, bảo hiểm rủi ro trong sản xuất thủy sản, giao quyền sử dụng mặt nước ven biển, mặt nước nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng ngư, nông dân quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường.

Việc tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tàu thuyền và các trung tâm nghề cá khu vực theo quy hoạch cũng hết sức cần thiết.

Các đại biểu cho rằng cần quy hoạch lại các khu bảo tồn biển, quy hoạch khai thác hải sản và các vùng nuôi công nghiệp tập trung các đối tượng chủ lực; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm đối với các sản phẩm chủ lực với mục tiêu đến năm 2020 ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển toàn diện theo hướng bền vững.

Theo Tổng cục Thủy sản, qua 3 năm (2010-2013) thực hiện chiến lược phát triển thủy sản, đã có 8 trong số 13 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2015, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng như giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 4,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,21%/năm.

Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 5,9 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu năm đạt 6,7 tỷ USD. Ngành thủy sản đã tạo sinh kế và giải quyết việc làm cho 4 triệu lao động, góp phần bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, ngành thủy sản Việt Nam chưa phát triển bền vững, tỷ trọng giá trị gia tăng còn thấp, hiệu khai thác hải sản chưa cao; chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia; thu nhập của lao động nghèo còn thấp nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục