Tái cơ cấu Đường sắt Việt Nam: Đẩy nhanh các thủ tục thoái vốn

Thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Theo đánh giá, việc này đang được VNR tích cực triển khai, song VNR cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa nếu muốn về đích theo yêu cầu đề ra.


Thoái vốn đạt kết quả tích cực

Theo Đề án tái cơ cấu, VNR sẽ thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty đường sắt Việt Nam. Trong năm 2014, VNR đã tổ chức bán đấu giá cổ phần của 5 công ty, kết quả cả 5 công ty đã bán thành công 100% số cổ phần chào bán, gồm: Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng đường sắt phía Nam, Công ty Cổ phần đá Chu Lai, Công ty Cổ phần cơ khí đường sắt Đà Nẵng, Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải; Công ty Cổ phần Sài Gòn Hỏa xa.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR đánh giá, kết quả trên được xem là bước cụ thể hóa lộ trình thoái vốn các doanh nghiệp thành viên của VNR. Tổng công ty sẽ chỉ tập trung cho ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sắt, điều hành giao thông vận tải và tham gia quản lý kế cấu hạ tầng đường sắt, còn lại sẽ tập trung thoái vốn.

Trong năm 2015, VNR sẽ cổ phần 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt thành 20 công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (trong đó có 15 công ty cổ phần bảo trì cầu đường sắt và 5 công ty cổ phần bảo trì thông tin tín hiệu đường sắt) với lộ trình: hoàn thành việc chuyển đổi 20 công ty này thành các công ty cổ phần trước ngày 31/12/2015.

Theo lộ trình, toàn bộ khối vận tải đường sắt, quản lý đường sắt sẽ được cổ phần hóa và hoạt động từ đầu năm 2016. Các ngành nghề ít liên quan đến phục vụ ngành đường sắt đều được thoái vốn. Đây được ghi nhận là bước đi đúng hướng theo Đề án tái cơ cấu đã đặt ra cho VNR.

Trong thời gian tới, VNR sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn góp của Tổng công ty tại 10 công ty cổ phần là: Đá Mỹ Trang, Đầu tư công trình Hà Nội, Dịch vụ Du lịch đường sắt Hà Nội, Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình 1, Viễn thông tín hiệu đường sắt, Vĩnh Nguyên, Xây dựng công trình Đà Nẵng, Xây lắp và Cơ khí cầu đường, Công trình 2, Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị đường sắt.

Bên cạnh đó, VNR sẽ giữ vốn góp của Tổng công ty dưới 30% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần là: Đầu tư và xây dựng công trình 3, Tổng công ty Công trình đường sắt, Công trình 6. Giữ vốn góp ở mức dưới 20% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải.

“Sau khi cổ phần hóa các công ty vận tải, VNR sẽ cho đấu thầu hành trình tàu khách, tàu hàng đối với các tuyến đường, khu đoạn có nhu cầu vận chuyển lớn, qua đó tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt” - ông Đoàn Duy Hoạch cho biết thêm.


Đảm bảo ổn định sản xuất-kinh doanh

Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, VNR cần đẩy nhanh hơn các thủ tục thoái vốn để đảm bảo tiến độ kế hoạch. VNR không nên làm dàn trải mà tùy từng điều kiện của mỗi đơn vị, căn cứ vào quy mô, số vốn và sức hấp dẫn đối với thị trường có thể cho thoái vốn luôn.

Trưởng tàu SE3 và nhân viên đi kiểm tra vé của hành khách với khuôn mặt luôn mỉm cười để tạo sự thân thiện với hành khách. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo VNR cần phải xây dựng được hệ thống quản lý hạ tầng chặt chẽ, đảm bảo ổn định sản xuất và cả an toàn chạy tàu. Ngoài ra, VNR cần đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các công ty cổ phần vốn góp không liên quan đến ngành nghề chính. Đơn vị nào thoái được vốn là làm ngay. Tái cơ cấu song song với quản trị doanh nghiệp và gắn với cổ phần hóa.

Trong một cuộc họp với VNR gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá, thời gian vừa qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, chất lượng phục vụ đã được nâng cao. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp của VNR đang đi đúng hướng và cho những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý VNR phải tiếp tục thực hiện tốt phương châm kinh doanh “An toàn-Thuận tiện-Thân thiện-Hiệu quả-Đúng giờ “ và thực hiện tốt văn hoá ứng xử theo tiêu chí “4 xin” - “4 luôn” mà Bộ Giao thông Vận tải đã phát động trong toàn ngành.

Cùng với đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu VNR thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường; chuẩn bị tốt các phương án phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Dương lịch và Nguyên Đán sắp tới.

Về tái cơ cấu vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo VNR nghiên cứu cơ cấu lại vận tải hàng hóa và hành khách cho phù hợp tình hình mới, nhất là một số tuyến có lượng khách ít. Bên cạnh đó, VNR cần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó có dự án lắp thiết bị vệ sinh tự hoại trên toa xe, có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp cùng làm để đẩy nhanh tiến độ; đồng thời, tiếp tục phối hợp kiểm soát tải trọng xe. Các ga và kho của đường sắt phải cam kết không cho phương tiện quá tải, thậm chí, cách chức cán bộ nếu phát hiện có phương tiện để quá tải.

Đẩy mạnh hơn nữa thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp. Đơn vị nào làm được phải làm ngay, không chờ đợi, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, VNR cũng gặp phải những vấn đề khó khăn mà các đơn vị khác gặp phải như vấn đề lao động dôi dư trong quá trình chuyển đổi.

Để giúp thực hiện công tác cổ phần hóa của VNR thành công, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, VNR đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ cho cơ chế để số lao động dôi dư trên được hưởng các chính sách theo quy định của Nhà nước../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục