Cùng với việc Chính phủ cho phép dừng thí điểm hai tập đoàn kinh tế ngành xây dựng là Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Bộ Xây dựng đã có phương án tái cơ cấu hai tập đoàn này với mục tiêu từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế và giảm thiểu rủi ro.
Lớn nhưng chưa “mạnh”
Mặc dù Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) sau hơn hai năm thí điểm đã có nhiều cố gắng ổn định tổ chức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với mô hình mới, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa “mạnh” như kỳ vọng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2011, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà mới đạt 6.635 tỷ đồng với tổng doanh thu đạt 45.495 tỷ đồng; Tập đoàn HUD có vốn sở hữu 5.524 tỷ đồng với doanh thu 34.410 tỷ đồng. Con số này cho thấy so với năng lực, doanh thu thực hiện hàng năm của cả hai tấp đoàn chưa cao, chưa kể việc đầu tư còn dàn trải theo hướng đa ngành, đa nghề, trong điều kiện năng lực tài chính hạn hẹp nên dễ gặp rủi ro khi môi trường kinh doanh biến động lớn.
Vì vốn chủ sở hữu nhỏ nên để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm được giao, các tổng công ty trong hai Tập đoàn này đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, tỷ lệ nợ phải trả tính trên vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang vượt nhiều so với quy định, tới 3 lần. Đơn cử như tại thời điểm ngày 31/12/2011, tỷ lệ nợ phải trả tính trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà là 10,48 lần, Tập đoàn HUD là 6,68 lần, Tổng công ty Lilama khoảng 35,18 lần, Tổng công ty Licogi 5,19 lần, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 5,55 lần, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng xấp xỉ 13 lần, Tổng công ty Viglacera gần 7 lần... Một số tổng công ty, công ty hiện rất khó khăn và mất cân đối tài chính trầm trọng.
[Kết thúc thí điểm hình thành hai tập đoàn xây dựng]
Do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính, nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, nên quy mô tập đoàn tăng đột biến. Tập đoàn Sông Đà đang có vốn đầu tư ở 4 cấp doanh nghiệp với tổng số thành viên lên tới 230 đơn vị; Tập đoàn HUD có 183 đơn vị. Vốn của công ty mẹ được thực hiện và phân tán ở nhiều tầng nấc với số doanh nghiệp lớn nên việc quản lý, giám sát tình hình sử dụng vốn góp tại 4 cấp doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa năng lực quản lý, điều hành của công ty mẹ tập đoàn với yêu cầu quản lý của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên. Trong khi đó, quyền tự chủ của các đơn vị thành viên bị hạn chế do công ty mẹ-công ty con không thể cùng tham gia đấu thầu trong cùng một công trình, dự án đầu tư...
Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh chính giữa công ty mẹ với các tổng công ty con và cả giữa các thành viên với nhau còn trùng lắp vì trước khi gia nhập Tập đoàn, rất nhiều đơn vị đã hoạt động đa ngành, đa nghề. Do sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn còn hạn chế, nhất là giữa công ty mẹ với các tổng công ty con, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của các đơn vị thành viên để thực hiện mục tiêu chung.
Tái cơ cấu để giảm thiểu rủi ro
Việc hình thành hai tập đoàn kinh tế Nhà nước ngành xây dựng có nhiều điểm khác biệt với các tập đoàn kinh tế Nhà nước hình thành từ Tổng công ty 91. Bản thân hai tập đoàn này được hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, cơ bản có ngành nghề kinh doanh chính giống nhau và đều là ngành có tính xã hội hóa cao. Bởi vậy, trước tác động khó khăn của nền kinh tế và xuất phát từ thực trạng hoạt động, việc duy trì theo mô hình thí điểm mà Tập đoàn đã thực hiện sẽ làm tăng áp lực cho công ty mẹ trong xử lý những tồn tại về tài chính cho các đơn vị thành viên do năng lực tài chính hạn chế. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho Tập đoàn, đồng thời để sớm duy trì sự ổn định của các đơn vị thành viên, Bộ Xây dựng khẳng định việc tái cơ cấu hai tập đoàn này là cần thiết.
Theo Bộ Xây dựng, việc tổ chức, sắp xếp lại các Tổng công ty tham gia hai Tập đoàn sẽ thực hiện theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Bởi vậy, cùng với việc lập và trình kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty HUD sau khi chuyển giao, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến năm 2015; xử lý vướng mắc, tồn tại của các Tổng công ty sau khi chuyển giao về Bộ...
Để triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu hai Tập đoàn kinh tế Nhà nước ngành Xây dựng đạt hiệu quả, Bộ cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ đọng tại các công trình trọng điểm nhà nước.
Tại Tờ trình số 68/TTr-BXD, Bộ Xây dựng nêu rõ tái cơ cấu hai Tập đoàn này sẽ giải phóng được sản xuất cho các tổng công ty tham gia, đồng thời tăng được năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị, thông qua đó, đẩy mạnh chuyên môn hóa cao hơn nữa ở từng lĩnh vực, ngành nghề trong quy trình sản xuất xây dựng để tiếp tục củng cố, phát triển thương hiệu hiện có của các tổng công ty tham gia Tập đoàn. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm tập trung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thành viên các tổng công ty tham gia Tập đoàn; đồng thời, từng bước cân đối được tài chính, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại...
Như vậy, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của Bộ quản lý ngành đối với việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc ngành; giảm gánh nặng cho Chính phủ và các bộ, ngành tổng hợp liên quan.
Bộ Xây dựng cho biết theo lộ trình thực hiện, trước mắt sẽ kết thúc thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động của hai Tập đoàn để tổ chức lại các công ty con như trước khi tham gia Tập đoàn, cùng với đó, thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổng công ty tham gia thí điểm thành lập Tập đoàn, bao gồm cả hai công ty mẹ tập đoàn về cho Bộ quản lý ngành.
Trước mắt, tổ chức bộ máy, cán bộ của Công ty mẹ Tập đoàn (trừ các Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm nhiệm) và của các Tổng công ty thành viên vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bảo lưu hệ số lương chức vụ đối với thành viên Hội đồng thành viên và phụ cấp trách nhiệm của trưởng-phó các phòng, ban và kiểm soát viên Công ty mẹ Tập đoàn cho đến hết nhiệm kỳ được bổ nhiệm./.
Lớn nhưng chưa “mạnh”
Mặc dù Tập đoàn Sông Đà và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) sau hơn hai năm thí điểm đã có nhiều cố gắng ổn định tổ chức, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho phù hợp với mô hình mới, nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa “mạnh” như kỳ vọng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2011, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà mới đạt 6.635 tỷ đồng với tổng doanh thu đạt 45.495 tỷ đồng; Tập đoàn HUD có vốn sở hữu 5.524 tỷ đồng với doanh thu 34.410 tỷ đồng. Con số này cho thấy so với năng lực, doanh thu thực hiện hàng năm của cả hai tấp đoàn chưa cao, chưa kể việc đầu tư còn dàn trải theo hướng đa ngành, đa nghề, trong điều kiện năng lực tài chính hạn hẹp nên dễ gặp rủi ro khi môi trường kinh doanh biến động lớn.
Vì vốn chủ sở hữu nhỏ nên để duy trì tốc độ tăng trưởng sản xuất hàng năm được giao, các tổng công ty trong hai Tập đoàn này đã phải huy động vốn từ nhiều nguồn để phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, tỷ lệ nợ phải trả tính trên vốn chủ sở hữu của nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang vượt nhiều so với quy định, tới 3 lần. Đơn cử như tại thời điểm ngày 31/12/2011, tỷ lệ nợ phải trả tính trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Sông Đà là 10,48 lần, Tập đoàn HUD là 6,68 lần, Tổng công ty Lilama khoảng 35,18 lần, Tổng công ty Licogi 5,19 lần, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 5,55 lần, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng xấp xỉ 13 lần, Tổng công ty Viglacera gần 7 lần... Một số tổng công ty, công ty hiện rất khó khăn và mất cân đối tài chính trầm trọng.
[Kết thúc thí điểm hình thành hai tập đoàn xây dựng]
Do hình thành trên cơ sở liên kết hành chính, nhiều tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, nên quy mô tập đoàn tăng đột biến. Tập đoàn Sông Đà đang có vốn đầu tư ở 4 cấp doanh nghiệp với tổng số thành viên lên tới 230 đơn vị; Tập đoàn HUD có 183 đơn vị. Vốn của công ty mẹ được thực hiện và phân tán ở nhiều tầng nấc với số doanh nghiệp lớn nên việc quản lý, giám sát tình hình sử dụng vốn góp tại 4 cấp doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa năng lực quản lý, điều hành của công ty mẹ tập đoàn với yêu cầu quản lý của Tập đoàn đối với các đơn vị thành viên. Trong khi đó, quyền tự chủ của các đơn vị thành viên bị hạn chế do công ty mẹ-công ty con không thể cùng tham gia đấu thầu trong cùng một công trình, dự án đầu tư...
Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh chính giữa công ty mẹ với các tổng công ty con và cả giữa các thành viên với nhau còn trùng lắp vì trước khi gia nhập Tập đoàn, rất nhiều đơn vị đã hoạt động đa ngành, đa nghề. Do sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn còn hạn chế, nhất là giữa công ty mẹ với các tổng công ty con, nên chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của các đơn vị thành viên để thực hiện mục tiêu chung.
Tái cơ cấu để giảm thiểu rủi ro
Việc hình thành hai tập đoàn kinh tế Nhà nước ngành xây dựng có nhiều điểm khác biệt với các tập đoàn kinh tế Nhà nước hình thành từ Tổng công ty 91. Bản thân hai tập đoàn này được hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, cơ bản có ngành nghề kinh doanh chính giống nhau và đều là ngành có tính xã hội hóa cao. Bởi vậy, trước tác động khó khăn của nền kinh tế và xuất phát từ thực trạng hoạt động, việc duy trì theo mô hình thí điểm mà Tập đoàn đã thực hiện sẽ làm tăng áp lực cho công ty mẹ trong xử lý những tồn tại về tài chính cho các đơn vị thành viên do năng lực tài chính hạn chế. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho Tập đoàn, đồng thời để sớm duy trì sự ổn định của các đơn vị thành viên, Bộ Xây dựng khẳng định việc tái cơ cấu hai tập đoàn này là cần thiết.
Theo Bộ Xây dựng, việc tổ chức, sắp xếp lại các Tổng công ty tham gia hai Tập đoàn sẽ thực hiện theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Bởi vậy, cùng với việc lập và trình kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty HUD sau khi chuyển giao, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh để hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến năm 2015; xử lý vướng mắc, tồn tại của các Tổng công ty sau khi chuyển giao về Bộ...
Để triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu hai Tập đoàn kinh tế Nhà nước ngành Xây dựng đạt hiệu quả, Bộ cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ đọng tại các công trình trọng điểm nhà nước.
Tại Tờ trình số 68/TTr-BXD, Bộ Xây dựng nêu rõ tái cơ cấu hai Tập đoàn này sẽ giải phóng được sản xuất cho các tổng công ty tham gia, đồng thời tăng được năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị, thông qua đó, đẩy mạnh chuyên môn hóa cao hơn nữa ở từng lĩnh vực, ngành nghề trong quy trình sản xuất xây dựng để tiếp tục củng cố, phát triển thương hiệu hiện có của các tổng công ty tham gia Tập đoàn. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm tập trung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thành viên các tổng công ty tham gia Tập đoàn; đồng thời, từng bước cân đối được tài chính, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại...
Như vậy, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của Bộ quản lý ngành đối với việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuộc ngành; giảm gánh nặng cho Chính phủ và các bộ, ngành tổng hợp liên quan.
Bộ Xây dựng cho biết theo lộ trình thực hiện, trước mắt sẽ kết thúc thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động của hai Tập đoàn để tổ chức lại các công ty con như trước khi tham gia Tập đoàn, cùng với đó, thực hiện chuyển giao quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tổng công ty tham gia thí điểm thành lập Tập đoàn, bao gồm cả hai công ty mẹ tập đoàn về cho Bộ quản lý ngành.
Trước mắt, tổ chức bộ máy, cán bộ của Công ty mẹ Tập đoàn (trừ các Ủy viên Hội đồng thành viên kiêm nhiệm) và của các Tổng công ty thành viên vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bảo lưu hệ số lương chức vụ đối với thành viên Hội đồng thành viên và phụ cấp trách nhiệm của trưởng-phó các phòng, ban và kiểm soát viên Công ty mẹ Tập đoàn cho đến hết nhiệm kỳ được bổ nhiệm./.
Thu Hằng (TTXVN)