Tài chính Xanh cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế

Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.
Tài chính Xanh cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế ảnh 1Quang cảnh buổi hội thảo. (Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng)

Sau cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), vấn đề thu hút nguồn lực cho Tăng trưởng Xanh trở thành một trong những nội dung quan trọng cho quá trình thực hiện mục tiêu này.

Tuy nhiên, việc triển khai cơ chế Tài chính Xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tại hội thảo “Tài chính Xanh và thị trường Tín chỉ carbon,” do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/9, các chuyên gia cho rằng Tài chính Xanh và thị trường carbon (tín chỉ carbon) đều là những cơ chế tài chính có thể đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường.

Trong Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển năm 2022, Ngân hàng Thế giới đã đề cập tính cấp thiết của việc thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam, cần triển khai nhiều chính sách và đầu tư công-tư để giảm cường độ carbon trong tăng trưởng.

Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm; trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.

Điều này cho thấy để thực hiện cam kết trên, Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong những năm tới. Trong khi nguồn lực của Nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính, việc phát triển tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon được cho là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Tuy vậy, việc triển khai các cơ chế tài chính này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi chính sách, khung pháp lý thời gian tới phải được hoàn thiện hơn.

[Việt Nam sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028]

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết nhiều năm trước Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Hiện các ngân hàng cho vay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế, trái phiếu xanh về bảo vệ môi trường tại Việt Nam cũng chưa có nhiều.

Trên thế giới, lũy kế đến nay có khoảng 2.400 tỷ USD Trái phiếu Xanh được phát hành. Tại Mỹ, đã phát hành được 400 tỷ USD Trái phiếu Xanh. Trong khi đó ở Việt Nam, mới chỉ có 3 doanh nghiệp phát hành Trái phiếu Xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn. Đó chưa kể không biết có bao nhiêu nhà đầu tư đã mua loại trái phiếu này.

Trên thị trường chứng khoán cũng chưa nghe đến trái phiếu xanh mà chỉ mới phát hành trên thị trường trái phiếu riêng lẻ. Điều này cho thấy vấn đề về tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến 4 vấn đề: sử dụng vốn thế nào, cho công trình dự án gì; dự án đó phải được thẩm định chặt chẽ; các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào; và báo cáo từ nhà phát hành, công ty kiểm toán, công ty chức năng thật minh bạch.

Vị chuyên gia này kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ. Nếu Việt Nam chuyển động chậm, 3-5 năm tới, trái phiếu xanh có lẽ cũng chỉ là “nói cho vui” chứ khó triển khai trên thực tế. Bởi lẽ, ngay cả thị trường trái phiếu thông thường tại Việt Nam cũng đang gặp khó khăn chứ đừng nói là thị trường Trái phiếu Xanh.

Tài chính Xanh cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam. (Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng)

Về thị trường tín chỉ carbon, Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, cho rằng thị trường carbon tại Việt Nam phải được xây dựng theo hướng tích hợp, hội nhập và liên thông tới các thị trường carbon toàn cầu. Quan trọng nhất là các cơ quan ban ngành cần tiến hành triển khai nhanh hơn nữa.

“Tuy nhiên, với tình hình hiện nay là rất chậm, nếu làm chậm sẽ mất cơ hội. Mặc dù lộ trình đưa ra là năm 2025 mới thí điểm vận hành nhưng nếu tham gia được sớm hơn thì tốt hơn," Tiến sỹ Nguyễn Linh Ngọc nói.

Theo Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV) Phạm Thị Ngọc Thủy, qua nghiên cứu cho thấy chủ đề tài chính xanh, thị trường tín chỉ carbon rất được quan tâm nhưng đến nay hiểu biết của doanh nghiệp về việc này vẫn còn khá hạn chế. Hiện có khoảng cách quá lớn giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, thiếu sự gắn kết và chia sẻ với nhau trong quá trình thực hiện.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho biết việc sản xuất xanh đang trở thành vấn đề “sống còn” của nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn thiếu cơ chế, tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi sản xuất, rất cần có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Chủ tịch HUBA, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh. Hiện đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh là điều rất khó.

Do đó, đại diện HUBA đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục