Tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo

Tài chính vi mô có mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cho nhóm khách hàng nghèo, giúp họ có cơ hội phát triển, cải thiện cuộc sống, thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo.
Tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu trong xóa đói giảm nghèo ảnh 1Các Tổ chức tài chính vi mô nhận giải thưởng từ ban tổ chức. (Nguồn: NHNN)

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Trung tâm Tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa (VMFWG) tổ chức tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện.”

[Việt Nam có hệ thống phân phối tín dụng vi mô lớn nhất thế giới]

Phát biểu khai mạc, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, những người nghèo và người có thu nhập thấp trên thế giới thường khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức do một số rào cản về năng lực, hiểu biết tài chính, khả năng tiếp cận và thiếu tài sản thế chấp...

Tài chính vi mô có mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế cho nhóm khách hàng nghèo, giúp họ có cơ hội phát triển, cải thiện cuộc sống thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính vi mô còn hướng tới mục tiêu giúp khách hàng có đủ năng lực tiếp cận bền vững với dịch vụ tài chính chính thức. Do đó, tài chính vi mô được coi là công cụ phát triển của người nghèo, chứ không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần.

"Trong thời gian qua, tài chính vi mô được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia đang phát triển và thu hút được sự quan tâm của Chính phủ, nhà tài trợ và các nhà thực hành. Tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm đến hoạt động và sự phát triển của tài chính vi mô. Điều này thể hiện thông qua việc Chính phủ đã phê duyệt đề án của Ngân hàng Nhà nước về xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020," ông Tú nhấn mạnh.

Tại tòa đàm, đại diện các tổ chức tài chính vi mô gồm tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương (TYM); Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang (MOM); Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nông thôn Việt Nam (VietED) đã chia sẻ về thực tiễn hoạt động của mình thời gian qua, các nỗ lực đóng góp của các tổ chức này trong hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nghèo, đối tượng yếu thế thông qua các khoản cho vay, các hoạt động giáo dục tài chính…

Bên cạnh đó, các quỹ này cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc mà các tổ chức này đang gặp phải trong hoạt động thực tiễn. Đại diện các tổ chức tài chính vi mô cũng đưa ra các đề xuất, đặc biệt liên quan đến việc hoàn thiện khuôn khổ hệ thống pháp luật để hỗ trợ cho hoạt động tài chính vi mô trong thời gian tới.

Ngay sau buổi Tọa đàm đã diễn ra Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam (CMA) 2018. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp vinh danh những tấm gương điển hình là những người nghèo đã sử dụng vốn vay vi mô hiệu quả để vươn lên và đạt được những thành công trong cuộc sống, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình thành công của mình trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục