Tài chính “khiêm tốn” khiến đầu tư công nghệ ở cấp độ ngắn hạn

Môi trường kinh doanh chưa cải thiện, hoạt động của doanh nghiệp nhìn chung vẫn trì trệ, do đó những khoản đầu tư cho công nghệ phần lớn là dừng lại ở lợi ích trước mắt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Môi trường kinh doanh chưa cải thiện, hoạt động của doanh nghiệp nhìn chung vẫn trì trệ, phần nào cho thấy chính sách công nghiệp hiện tại dường như chưa đáp ứng được những nhu cầu của doanh nghiệp.

Đây là một trong những điểm nhấn được đưa ra tại Báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam-Kết quả điều tra năm 2013,” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch tài trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM,) Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường đại học Copehagen phối hợp thực hiện.

Báo cáo là kết quả điều tra từ 7.500 doanh nghiệp chế biến và được thực thiện bởi Tổng cục Thống kê từ năm 2010-2013, nhằm mục đích cung cấp cho các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách sự hiểu biết về tính năng động của công nghệ, năng suất và lợi nhuận của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Kết quả điều tra từ Báo cáo cho thấy, mặc dù doanh nghiệp nhận thức được lợi ích từ việc đầu tư công nghệ và họ cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm với khả năng cho phép, nhưng thực tế những khoản đầu tư cho công nghệ của họ mới dừng lại ở những lợi ích trước mắt.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp đang phải đối với rất nhiều trở  ngại, tác động ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trở ngại lớn nhất là “đói” tài chính, kế tiếp sau đó là máy móc thiết bị lạc hậu, thiếu lao động có kỹ năng và sự yếu kém từ cơ sở hạ tầng.

Báo cáo đặc biết nhấn mạnh, năm 2013 những trở ngại, khó khăn của doanh nghiệp vẫn tương tự như năm 2012 và hầu như không có sự thay đổi. Qua đó nhóm nghiên cứu cho rằng, “các chính sách hiện tại tiếp tục ‘thất bại’ trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong ngắn hạn.”

(Ảnh nguồn: Viện kinh tế, Trường đại học Copehagen)

Theo Giáo sư John Rand, Trường Đại học Copenhagen, “đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, chuyển giao công nghệ là chìa khóa. Việt Nam đang ở dưới đường giới hạn công nghệ nhưng có thể bắt kịp bằng cách học hỏi từ những nước khác. Theo đó, sự tương tác giữa chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI,) thương mại và đổi mới là đặc biệt quan trọng.”

Tuy nhiên, Báo cáo lại cho thấy, phần lớn sự chuyển giao công nghệ lại đang được thực hiện giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và không có dấu hiệu nào về chất lượng của những sự chuyển nhượng này, mặc dù đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Báo cáo đã phân tích, các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) chủ yếu nhằm vào các công nghệ đã có sẵn ở nơi khác. Do xác suất thất bại cao của nghiên cứu phát triển và chi phí tốn kém, vì vậy doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn tiếp nhận và điều chỉnh công nghệ có sẵn thay vì đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Cuối cùng, Báo cáo đề cập tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, “nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, áp lực có thể gia tăng cho các doanh nghiệp, khiến họ giảm bớt cam kết trách nhiệm xã hội nhằm theo đuổi lợi nhuận cao hơn. Trách nhiệm xã hội ở Việt Nam hầu như mới để đáp ứng các nghĩa vụ trong doanh nghiệp và phù hợp với những yêu cầu pháp lý bắt buộc.”

Theo giáo sư Finn Tarp, Trường Đại học Copenhagen, việc doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần do quá trình cải cách chưa hoàn thành.

Do đó, giáo sư Finn Tarp đề xuất giải pháp, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra chính sách nhằm giảm bớt khó khăn tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, khả năng tiếp cận với máy móc công nghệ cao và thiết bị cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, như pháp luật về bảo hộ sáng chế và trợ cấp, giảm thuế.

“Đáng chú ý, hiện nay những tác động lan tỏa từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  không xuất hiện thông qua các kênh điển hình, do vậy cơ quan xúc tiến đầu tư nên tập trung vào FDI ở các lĩnh vực thượng nguồn, nơi tác động lan tỏa lớn nhất. Cuối cùng, Chính phủ cần tìm cách giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng năng suất đồng thời thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa trách nhiệm xã hội gắn liền với thương mại và FDI,” giáo sư Finn Tarp nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục