Theo báo cáo của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) đưa ra ngày 22/4, tình hình tài chính công của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm mạnh trong năm đại dịch 2020 như dự báo, do hỗ trợ khủng hoảng tăng cao, thu thuế giảm và chi phí y tế gia tăng.
Cụ thể, nợ chính phủ của Hy Lạp đã vượt quá 200% GDP, Italy là 150%, Bồ Đào Nha là 130%. Những nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ hay Síp, nợ công đều vượt 100%.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, khi bắt đầu đại dịch vào đầu năm 2020, các bộ trưởng tài chính EU đã quyết định đình chỉ Hiệp ước ổn định tài chính chung của EU, theo đó quy định mức trần thâm hụt ngân sách dưới 3% cho năm 2020.
Quyết định này cũng được gia hạn cho năm 2021. Hệ quả là Tây Ban Nha có thâm hụt ngân sách lớn nhất, ở mức 11% GDP, tăng từ 2,9% năm 2019, với nợ chính phủ tăng lên 120%, từ 95,5% năm 2019.
[Các bộ trưởng Eurozone nhất trí về cải cách Cơ chế Bình ổn châu Âu]
Với thâm hụt ngân sách ở mức 9,7%, nợ chính phủ của Hy Lạp đã phá vỡ giới hạn trần nợ 200%, lên tới 205,6%, tăng từ 180,5% năm 2019. Tỷ lệ này ở Italy là 155,8%, với thâm hụt ngân sách 9,5%; Pháp là 115,7%, với thâm hụt 9,2%, Đức là 69,8%, với thâm hụt ngân sách 4,2%.
Đan Mạch là nước có thâm hụt thấp nhất 1,1%, trở thành quốc gia duy nhất, bất chấp đại dịch, vẫn nằm trong khuôn khổ của Hiệp ước ổn định tài chính của EU.
Thụy Điển có thâm hụt ngân sách thấp thứ 2 trong EU, chỉ ở mức 3,1%, tức là chỉ cao hơn giới hạn bình thường 3% của Hiệp ước ổn định tài chính. Năm 2019, Thụy Điển thặng dư ngân sách 0,6%.
Theo kế hoạch, các dự báo của Ủy ban châu Âu vào tháng 5 sẽ lần đầu tiên có thể tính đến việc gói phục hồi lớn 750 tỷ Euro của EU tác động thế nào đến tăng trưởng và tài chính công ở các nước EU.
Các khoản viện trợ và cho vay lớn nhất dành cho các nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, chủ yếu ở Nam và Đông Âu.
Cũng theo Eurostat, thâm hụt ngân sách trung bình của khu vực đồng tiền chung Eurozone đã tăng 7,2% trong năm 2020, từ 0,6% vào năm 2019. Với toàn bộ EU, thâm hụt tăng 6,9%, từ mức 0,5%.
Nợ chính phủ trung ương trung bình của Eurozone tăng 98% trong năm 2020 so với GDP, từ mức 83,9% vào năm 2019. Với toàn bộ khối, nợ công tăng 90,7% từ mức trung bình 77,5%./.