Tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý nhà nước

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ dự thảo Nghị định sửa đổi về hoạt động kiểm định xe cơ giới cần theo hướng hợp lý, khoa học, hiệu quả, giảm phiền hà cho dân và tránh tình trạng trục lợi.
Nhân viên đăng kiểm tiến hành các quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tại cuộc làm việc về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (dự thảo Nghị định), sáng 4/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động kiểm định phải hợp lý, khoa học, hiệu quả nhất, từ đó, giảm chi phí xã hội cũng như phiền hà cho người dân; tránh tình trạng trục lợi.

Nghiên cứu phương án cơ sở bảo dưỡng tham gia kiểm định

Dự thảo Nghị định được kỳ vọng sẽ điều chỉnh những vấn đề "nóng" đang được dư luận xã hội quan tâm, Phó Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết, khắc phục những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc thời gian qua để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện vận tải tham gia giao thông.

Cụ thể, dự thảo Nghị định cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ công, đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ Giao thông Vận tải quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm..., để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm, kiểm chuẩn thiết bị đăng kiểm… với sự tham gia của sở khoa học và công nghệ các địa phương.

Nhấn mạnh yêu cầu liên thông hệ thống đăng kiểm, Phó Thủ tướng cho rằng, dự thảo Nghị định cần bảo đảm sự quản lý thống nhất của Bộ Giao thông Vận tải trong lĩnh vực đăng kiểm bằng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện chung.

Từ đó, các đơn vị đăng kiểm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp được phép, có thể tham gia thực hiện đăng kiểm dân sự; bổ sung quy định cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ theo giá thị trường nhằm tạo điều kiện thông thoáng, lành mạnh cho xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.

[Chính thức lấy ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi về đăng kiểm]

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải xem xét, nghiên cứu phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S (có không gian trưng bày xe mới, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng), 4S (có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng so với 3S) tham gia kiểm định.

Bộ xem xét thời gian chu kỳ đăng kiểm trên cơ sở phù hợp giữa tiêu chuẩn kỹ thuật của xe ô tô hiện nay; tăng cường các biện pháp hành chính, kỹ thuật với xe cũ; phân định yêu cầu đăng kiểm xe tư nhân và xe hoạt động kinh doanh dựa trên số kilômét thực tế; quy định chặt chẽ, kiểm soát nghiêm ngặt việc hoán cải phương tiện giao thông theo hướng xác định rõ trách nhiệm từ khâu thiết kế kỹ thuật, thực hiện, giám định.

Cùng với việc ban hành Nghị định, Bộ có lộ trình cụ thể xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn theo lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng ứng dụng (apps) hoặc tích hợp vào cổng dịch vụ công của Bộ để chủ sở hữu xe cơ giới đủ tiêu chuẩn giãn, hoãn đăng kiểm theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, được đăng ký.

Các cơ quan chức năng có thể tra cứu trực tuyến; kết nối dữ liệu để khắc phục tình trạng "một phương tiện đăng ký đăng kiểm ở nhiều trung tâm hoặc một người đăng ký đăng kiểm nhiều phương tiện khác nhau."

Tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý nhà nước

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự thảo Nghị định có một số điểm mới như quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm; làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ; phân cấp, phân quyền triệt để trong quản lý đơn vị đăng kiểm ở địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý; mở rộng, huy động tối đa các nguồn lực sẵn có cho công tác kiểm định; áp dụng triệt để khoa học-công nghệ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. (Nguồn: TTXVN)

Dự thảo Nghị định mở rộng đối tượng tham gia hoạt động kiểm định nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học. Dự thảo điều chỉnh về việc giảm yêu cầu số lượng nhân sự, rút ngắn thời gian thực tập của đăng kiểm viên, không khống chế năng lực phục vụ của dây chuyền kiểm định.

Đồng thời, sửa đổi quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô, đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định; cho phép huy động các lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách, nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Điều chỉnh giảm số lượng nhân sự tối thiểu trong mỗi dây chuyền để giảm áp lực thiếu hụt nhân sự đăng kiểm viên hiện nay; khuyến khích các đơn vị đăng kiểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong kiểm định.

Giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp có kinh nghiệm làm việc tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô; bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định tối đa trong ngày nhằm phát huy sự chủ động, sáng tạo của các đơn vị đăng kiểm trong cải tiến công việc, nâng cao năng suất lao động.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý nhà nước. Các sở giao thông vận tải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại địa phương.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước. Tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm; tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên.

Tại cuộc họp, Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đề nghị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm nhân lực cho các trung tâm đăng kiểm; có tiêu chí rõ ràng đối với cán bộ quản lý trung tâm đăng kiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm với cơ quan công an để phục vụ công tác tuần tra, xử lý phương tiện giao thông vi phạm.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất, cơ quan quản lý cần hài hòa, điều chỉnh giữa tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải và tiêu chí kiểm định; có lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ đăng kiểm; huy động đội ngũ đăng kiểm viên đã nghỉ hưu, sinh viên ngành kỹ sư ôtô để xử lý tạm thời tình trạng thiếu đăng kiểm viên hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục