Tình trạng tắc nghẽn vận tải đường biển từ Việt Nam đi Liên bang Nga và xa hơn nữa là tới châu Âu do các biện pháp phòng ngừa COVID-19, do thiếu container... dẫn tới chi phí vận tải biển tăng cao đang gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại.
Mới đây, vấn đề này đã được nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) 2021 của Nga ở Vladivostosk và thu hút được sự quan tâm lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trong phiên đối thoại Nga-ASEAN của EEF 2021, ông Đỗ Quốc Việt, Giám đốc Công ty Porto-Franco 70 ở Vladivostosk, đã nêu một số khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải do tắc nghẽn container hàng hóa vận chuyển đến Nga và châu Âu.
[Tắc nghẽn trong vận tải đường biển cản trở dòng chảy thương mại]
Theo ông Đỗ Quốc Việt, tình trạng tắc nghẽn khiến các cảng biển không còn chỗ để xếp dỡ hàng hóa và tàu chở phải đỗ ngoài cảng, kéo theo cước phí vận tải tăng hằng tuần trong khi thời gian vận chuyển có lúc cũng lên tới 2-3 tháng.
Trước đây, cấu thành chính của giá vận tải biển chỉ là giá cước vận tải thì nay giá cước này bổ sung thêm chi phí thuê vỏ container do tình trạng khan hiếm vỏ.
Theo thông tin từ các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, cước tàu biển cho 1 container 40 feet từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vladivostosk là gần 10.000 USD, trong đó giá cước tàu biển chỉ khoảng 6.000 USD còn lại là tiền thuê vỏ container (gần 4.000 USD).
Đề cập đến ảnh hưởng kinh tế từ tình trạng tắc nghẽn và cước vận tải tăng cao, ông Đỗ Quốc Việt cho biết trong thời gian tới, nếu tình trạng này không được xử lý thì Nga sẽ thiếu hàng hóa trầm trọng, từ thực phẩm, trái cây cho đến trang thiết bị, máy móc.
Hiện nay một số mặt hàng đã bắt đầu khan hiếm trên thị trường và giá đang tăng rất cao.
Về phần mình, ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự kinh tế thương mại phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông, Liên bang Nga, cho biết để giải quyết tình trạng này, Thương vụ đang xúc tiến một số giải pháp.
Ông Nguyền Hồng Thành nêu rõ trong đại dịch COVID-19 cũng như sau khi kênh đào Suez bị tắc nghẽn, do tình trạng thiếu vỏ container, hàng đi từ Việt Nam sang Vladivostosk chậm trễ hơn, thường là khoảng 3-4 tuần.
Khó khăn lớn nhất cho hàng hóa Việt Nam đi Vladivostosk đó là phải trung chuyển qua cảng thứ ba, dẫn đến thời gian lâu hơn và chi phí đội lên cao hơn.
Để giải quyết vấn đề này, chi nhánh Thương vụ (ở Viễn Đông) đang hỗ trợ một tập đoàn ở trong nước, đàm phán và hợp tác với đối tác sở tại để nghiên cứu khả năng nối lại tuyến đường biển thẳng từ cảng Hải Phòng hoặc cảng Quảng Ninh tới Vladivostosk.
Trong điều kiện bình thường, nếu tuyến đường biển này được thực hiện sẽ giảm thời gian vận tải xuống còn khoảng 7-8 ngày và tiết kiệm chi phí vận tải cho mỗi container khoảng từ 200-300 USD.
Vận tải hàng hóa đường biển từ Việt Nam tới Nga hiện có thể thông qua hai ngả. Ngả thứ nhất đi qua kênh đào Suez và cập cảng St. Petersburg.
Ngả thứ hai là đi qua các cảng vùng Viễn Đông, trong đó lớn nhất là hai cảng Vladivostok và Vostochnyi, rồi từ đó qua đường sắt hoặc các phương tiện đường bộ khác để tới Moskva, miền Tây nước Nga hoặc xa hơn nữa là tới châu Âu./.