Tác dụng phụ của thực phẩm chức năng collagen không phải ai cũng biết

Bổ sung collagen đồng nghĩa với việc bạn đang cung cấp thêm cho cơ thể một lượng canxi đáng kể, vì vậy bạn có thể bị tăng canxi máu nếu uống collagen quá mức cần thiết.

Collagen có dạng bột và viên. (Nguồn: hellomagazine)
Collagen có dạng bột và viên. (Nguồn: hellomagazine)

Collagen mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như trẻ hóa làn da, cải thiện chức năng cơ,...

Cơ thể con người chứa nhiều loại collagen và các nhà khoa học đã xác định được tổng cộng 29 loại, trong đó có bốn loại phổ biến nhất bao gồm loại mang lại sức mạnh cho da, xương, dây chằng và gân; loại tạo nên sụn linh hoạt giúp hỗ trợ khớp; loại được tìm thấy trong các cơ quan nội tạng, mạch máu và cơ bắp; loại trong giác mạc cũng như một số lớp da và tóc.

Vai trò của collagen đối với cơ thể

Collagen chiếm đến 25% tổng lượng protein trong cơ thể nên đây là dưỡng chất không thể thiếu. Collagen mang lại rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

Làm đẹp da

Trong cấu trúc của da, collagen là thành phần quan trọng và chiếm phần lớn, có nhiệm vụ duy trì sự săn chắc và đàn hồi của làn da.

Bổ sung collagen đã được chứng minh là cải thiện độ ẩm và độ đàn hồi của da cho người lớn tuổi, đặc biệt là chúng còn có thể giúp làm giảm nếp nhăn.

Ngoài ra, hoạt chất này có lợi trong việc điều hòa kinh nguyệt, cân bằng nội tiết tố đối với phái nữ. Nếu sử dụng collagen đúng cách sẽ giúp làm da chống lại quá trình lão hóa.

Giúp xương khớp chắc khỏe

Collagen được biết đến như một chất bôi trơn, giúp các khớp xương hoạt động linh hoạt, dẻo dai. Đồng thời, nó còn là chất liên kết các cấu trung để tạo nên một hệ thống xương khớp chắc chắn, khỏe mạnh.

Đối với những người bị thoái hóa khớp gối, bổ sung collagen có thể hoạt động như một loại thuốc giảm đau nhẹ và cải thiện chức năng của xương khớp.

xuong-khop-7615.jpg
Collagen giúp các khớp xương hoạt động linh hoạt. (Nguồn: iStock)

Cải thiện hệ thống mạch máu

Collagen cũng là chất không thể thiếu được trong quá trình hình thành và xây dựng mạch máu. Nhờ có collagen mà hệ thống mao mạch của cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh hạn chế nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.

Giúp tóc, móng chắc khỏe

Collagen có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành chất sừng, thành phần chủ yếu quyết định đến độ chắc khoẻ của tóc và móng. Nếu được bổ sung đầy đủ collagen, bạn sẽ có mái tóc bóng mượt, khỏe mạnh và hạn chế đứt gãy đối với móng tay, chân.

Tốt cho mắt

Tuổi càng cao, lượng collagen giảm làm cho giác mác hoạt động ngày càng kém, ảnh hưởng quan trọng đến thủy lực và làm cho thủy tinh thể mờ đi do chất amino bị lão hóa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đục thủy tinh thể.

Tăng cường sức đề kháng

Collagen còn có khả năng tăng cường sức đề kháng thông qua việc tăng cường Lympho. Đây là một loại bạch cầu chính trong hệ thống miễn dịch, có tác dụng hạn chế tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm gây ra.

Tác dụng phụ không mong muốn của collagen

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng collagen. Có những bệnh không nên uống collagen để tránh gây ra những tác hại không mong muốn.

Làm ảnh hưởng vị giác, ăn không ngon miệng

Một số chất bổ sung collagen dạng uống có thể để lại mùi vị tanh hoặc khó chịu trong miệng. Các chất bổ sung collagen được làm từ thực phẩm biển hoặc bò thường có mùi vị không dễ chịu đối với hầu hết mọi người. Do đó, bạn có thể chọn loại collagen chất lượng cao và trộn chung với thức uống có hương vị để giảm mùi khó chịu.

Có thể gây sỏi thận

Một tác dụng phụ của collagen đối với thận là khả năng hình thành sỏi thận. Nếu một người có tiền sử sỏi thận canxi oxalat, tốt hơn là nên bổ sung collagen từ từ bằng chế độ ăn uống.

soi-than-3738.jpg
(Nguồn: Stock)

Làm tăng canxi

Đa số thuốc collagen được chiết xuất từ cá, bò, da heo, nhau thai cừu… nên chúng chứa hàm lượng canxi khá cao. Bổ sung collagen đồng nghĩa với việc bạn đang cung cấp thêm cho cơ thể một lượng canxi đáng kể. Bởi thế, bạn có thể bị tăng canxi máu nếu uống collagen quá mức cần thiết.

Gây đau đầu

Một số người nhạy cảm với axit glutamic tự do trong protein collagen có thể bị đau đầu nhẹ hoặc khó ngủ khi tiêu thụ quá nhiều hoặc uống collagen quá gần giờ đi ngủ.

Gây dị ứng

Một tác dụng phụ của collagen khác bạn có thể gặp phải là dị ứng. Trước khi uống collagen, bạn cần kiểm tra kỹ thành phần của sản phẩm. Vì nếu cơ địa vốn mẫn cảm với hải sản, thì bạn không nên sử dụng collagen chiết xuất từ sụn vi cá, tôm…

Có thể khiến tâm trạng chán nản

Một trong những tác dụng phụ của collagen tồi tệ nhất là nó có thể khiến tâm trạng của bạn rối loạn.

Bổ sung thêm protein collagen vào chế độ của bạn có thể dẫn đến sự thâm hụt tryptophan. Sự sụt giảm tryptophan sẽ làm cho mức serotonin của bạn thấp hơn, khiến bạn có cảm giác bồn chồn, cáu kỉnh, lo lắng và trầm cảm. Bạn cần đặc biệt lưu ý nếu bạn đã bị rối loạn tâm trạng.

Những lưu ý khi lựa chọn collagen

Trên thị trường hiện nay có quá nhiều dạng thực phẩm bổ sung collagen với hàm lượng và xuất xứ khác nhau, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi chọn mua. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu loại collagen phù hợp với cơ thể mình.

Chọn sản phẩm collagen tốt nhất

Trên thị trường, các dòng sản phẩm collagen rất phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thương hiệu. Bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin xuất xứ để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tìm hiểu kỹ các thành phần trong sản phẩm

Các thành phần của sản phẩm rất quan trọng. Bạn hãy cẩn trọng với những thành phần dễ gây kích ứng, đặc biệt nếu bạn là người dễ bị dị ứng.

Chọn sản phẩm collagen phù hợp với cơ địa

Bạn cần lựa chọn collagen phù hợp với cơ địa của mình nhằm hạn chế các tác dụng phụ, đồng thời tăng khả năng hấp thụ tốt nhất.

Các sản phẩm chứa collagen type 2 giúp bạn cải thiện các vấn đề về da và hỗ trợ sụn khớp. Còn nếu bạn chỉ uống collagen để làm đẹp da, chống lão hóa, làm khỏe tóc, móng thì chọn collagen type 1 và 3.

collagen-8662.jpg
(Nguồn: Getty images)

Sử dụng đúng liều lượng

Bổ sung collagen giúp làm chậm quá trình lão hóa. Nhưng lượng collagen quá nhiều không làm tăng tốc độ trẻ hóa mà có thể gây ra các tác dụng phụ. Vậy nên bạn chỉ cần bổ sung liều lượng vừa đủ, không nên lạm dụng quá mức. Thông thường, bạn nên uống mỗi đợt trong khoảng 3 tháng để da và sức khỏe được cải thiện.

Sử dụng collagen thay thế

Nếu bạn không thích nghi được với những sản phẩm collagen có vị tanh, hãy chuyển sang loại viên nén hoặc bột, thạch. Một số loại collagen dạng nước có vị trái cây cũng giúp bạn dễ uống hơn.

Không dùng chung với thực phẩm bổ sung canxi

Lượng canxi đã được bổ sung đồng thời trong sản phẩm collagen nên bạn hãy tạm dừng uống các sản phẩm chứa canxi khác để tránh tình trạng thừa canxi.

Ngoài việc bổ sung collagen bằng các sản phẩm chế biến sẵn, bạn cũng có thể tìm hiểu xem ăn gì để có nhiều collagen. Rất nhiều thực phẩm giàu collagen như nước hầm xương, cá còn da, gà, bì lợn, hoa quả giàu vitamin C, tỏi, trứng… mà bạn có thể bổ sung ngay trong bữa ăn hàng ngày./.

Những người không nên uống collagen:

- Người bị viêm loét dạ dày

- Người có bệnh thận mạn tính

- Người đang sử dụng thuốc đặc trị

- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú

Tác giả

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục