Tác động vụ tấn công ở Saudi Arabia đến nền kinh tế Mỹ và thế giới

Các chuyên gia nhận định các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia không có tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên lại có thể khiến giá xăng tăng cao hơn.
Tác động vụ tấn công ở Saudi Arabia đến nền kinh tế Mỹ và thế giới ảnh 1Cột khói bốc lên tại cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia sau vụ tấn công. (Nguồn: Wall Street Journal)

Theo bài viết đăng trên Wall Street Journal ngày 15/9, các chuyên gia kinh tế nhận định các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia không có tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên lại có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi vẫn chưa biết rõ các tác động tổng thể của các vụ tấn công trên, các nhà phân tích khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái khi giá dầu tăng mạnh giống như những năm 1970 bởi hiện nay những cú sốc về giá dầu không còn gây ra những cú sốc tương tự đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công trên sẽ là một yếu tố mới để lãnh đạo Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính đến khi họ xem xét một loạt nguy cơ địa chính trị mà có thể gây ảnh hưởng tới tương lai của nền kinh tế, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, bất ổn ở Hong Kong và Anh sắp rời khỏi Liên minh châu Âu.

Nguy cơ giảm đầu tư kinh doanh và sự chững lại của tăng trưởng toàn cầu chính là lý do chính khiến Fed quyết định cắt giảm lãi suất trong tháng 7 vừa qua và có khả năng sẽ tiếp tục đợt cắt giảm tiếp theo trong tuần này. Lãnh đạo Fed cũng sẽ theo dõi giá dầu trong những tuần tới để xác định những ảnh hưởng tới lạm phát.

Tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các quan chức trong Ủy ban thiết lập lãi suất của ngân hàng trung ương nên đưa ra chính sách nhằm tập trung giảm tối đa sự trả giá cho những tính toán sai lầm. Do những tác động quan trọng nhất của chính sách tiền tệ được cảm nhận với mức độ bất ổn trong một năm hoặc hơn nên ủy ban này của Fed phải cố gắng xem xét những diễn biến đã xảy ra và tập trung vào những yếu tố có khả năng sẽ tác động tới triển vọng kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Bank of America cho biết, hiện nay năng lượng chiếm khoảng 2,5% tiêu dùng hộ gia đình, giảm từ 8% trong những năm 1970. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kể từ đầu những năm 2000, các công ty năng lượng của Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất bằng cách sử dụng các kỹ thuật khoan mới, chẳng hạn như công nghệ thủy lực. Sản lượng dầu đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua (từ 2008-2018) và Mỹ hiện là nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và đứng thứ hai là Saudi Arabia.

[Hệ quả trò chơi chính trị của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Israel]

Một mặt, giá dầu cao hơn sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và siết chặt các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng để sản xuất hoặc vận chuyển hàng hóa của họ. Tuy nhiên, mặt khác, những tổn thất đó sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận mà ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ kiếm được từ giá dầu cao. Ngành công nghiệp này của Mỹ gần đây đang gặp khó khăn khi sản xuất năng lượng tăng trong khi nhu cầu giảm đã khiến giá cả bị giảm xuống.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu thô tương lai ở mức 54,82 USD/thùng, giảm từ mức 76,41 USD vào ngày 3/10/2018. Các cuộc cạnh tranh trong ngành công nghiệp này làm giảm đầu tư kinh doanh. Đầu tư cố định phi chính phủ đã giảm với tỷ lệ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 0,6% trong quý 2, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của quý.

Giá dầu tăng liên tục có thể thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào hoạt động thăm dò và khoan dầu, nhưng cũng có thể làm giảm đầu tư cố định vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, như Trung Quốc và Nhật Bản, các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới sau Mỹ, sẽ bị tác động nhiều.

Theo EIA, Trung Quốc sản xuất khoảng 4,8 triệu thùng dầu mỗi ngày nhưng tiêu thụ khoảng 12,8 triệu thùng, khiến nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu. Nền kinh tế Trung Quốc đã phải chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu trên diện rộng. Giá dầu cao hơn có thể khiến tốc độ tăng trưởng chậm hơn nữa, điều này sẽ làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.

Tháng 7 vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết sự giảm tốc mạnh mẽ của thương mại khiến nền kinh tế chững lại. Dự báo, tăng trưởng toàn cầu, được điều chỉnh theo lạm phát, sẽ giảm xuống 3,2% trong năm nay, từ mức 3,6% của năm ngoái và 3,8% trong năm 2017.

Nếu các cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabi vào ngày 14/8 vừa qua dẫn đến giá năng lượng tiếp tục cao, điều này có thể làm giảm sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Cho tới nay, Mỹ vẫn tránh được những hậu quả nghiêm trọng của sự suy giảm toàn cầu. Nền kinh tế trong nước tăng trưởng với tốc độ hàng năm được điều chỉnh theo mùa là 2% trong quý II/2019. Macroeconomic Advisers, một công ty dự báo, dự kiến tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống mức 1,9% trong quý 3 năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục