Theo trang mạng arabnews.com/bloomberg.com, thông tin mới đây về việc Nhà Trắng đề xuất công thức mới để buộc các nước có quân đội Mỹ đồn trú phải trả tiền cho Mỹ đã khiến nhiều người ở Washington và khắp nơi trên thế giới lo ngại.
Cái gọi là đề xuất “Cost Plus 50” sẽ đòi hỏi các nước có quân đội Mỹ đồn trú phải trả toàn bộ chi phí đóng quân cho lực lượng Mỹ, cộng thêm 50% “khoản hoa hồng” cho đặc quyền được Mỹ đồn trú tại đó.
Đội ngũ của ông Trump coi kế hoạch này là một cách để thúc đẩy các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gia tăng chi tiêu quốc phòng.
Mặc dù ông Trump nói rằng sức ép mà ông đưa ra đã khiến các nước đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm hàng tỷ USD, nhưng ông vẫn tức giận trước việc mà ông coi là tốc độ trì trệ trong tiến trình này.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels hôm 14/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng kế hoạch “Cost Plus 50” chưa được đưa ra thảo luận tại NATO.
Mặc dù ông từ chối bình luận cụ thể, nhưng ông nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Mỹ ở châu Âu cũng rất quan trọng cho an ninh của Mỹ.
Ông nói: “Sự hiện diện đó là để bảo vệ châu Âu, nhưng nó cũng để thể hiện sức mạnh bên ngoài châu Âu.”
Tại Mỹ, nhiều người cho rằng những người đóng thuế ở Mỹ, với việc rót tiền cho hàng chục nghìn binh sỹ nước ngoài, đang gián tiếp đổ tiền vào các chương trình an ninh xã hội hào phóng - đặc biệt ở châu Âu.
Mặc dù đó là những quan ngại chính đáng, nhưng họ lại không hiểu được rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài trước tiên là vì lợi ích quốc gia Mỹ.
Tất nhiên, sự hiện diện của các binh sỹ Mỹ ở nước ngoài đóng góp cho phòng thủ tập thể của các đồng minh, nhưng đó là kết quả, chứ không phải là lý do cho việc các binh sỹ đồn trú ở nước ngoài.
[Liên quân Hàn-Mỹ tháo gỡ bất đồng về chia sẻ chi phí quốc phòng]
Hiện có một số vấn đề lớn với kế hoạch “Cost Plus 50.” Đầu tiên, không ai biết được định nghĩa “Cost-chi phí” ở đây là gì. Liệu nó có bao gồm tiền lương của các binh sỹ hay không?
Liệu nó có bao gồm chi phí khám chữa bệnh thường xuyên cho họ và gia đình họ hay không? Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.
Thứ hai, trong giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và nhiều đồng minh truyền thống, hiện có quan ngại rằng một đề xuất như vậy có thể làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ.
Một số đồng minh Mỹ rất nỗ lực để đẩy mạnh hoạt động và chi tiêu quân sự theo yêu cầu của chính quyền Trump. Điều này đặc biệt đúng với một số nước vùng Vịnh và các đồng minh ở Đông Âu.
Một đề xuất gây tranh cãi như “Cost Plus 50” có thể gây cản trở tiến triển này.
Một số người lập luận rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, bởi vậy “hãy đưa các binh sỹ trở về nhà.”
Logic này không thể hiểu được rằng các đơn vị đồn trú lớn của quân đội Mỹ ở nước ngoài không còn là các pháo đài thời Chiến tranh Lạnh, mà là các căn cứ của thế kỷ 21. Mỹ cần có năng lực để phản ứng nhanh chóng trước các tình huống trong lợi ích của Mỹ.
Lấy ví dụ các lực lượng Mỹ ở châu Âu. Số lượng binh sĩ Mỹ tại đó đã gây ra nhiều chỉ trích nhưng các nhà chỉ trích lại không nhìn vào bức tranh địa chính trị lớn hơn.
Hãy nhìn ra bên ngoài châu Âu, từ Bắc Cực tới Levant, từ Maghreb tới Caucasus, châu Âu nằm ở một trong các giao lộ quan trọng nhất thế giới. Các căn cứ của Mỹ ở châu Âu cho phép các nhà lãnh đạo Mỹ có được sự linh hoạt và nhiều lựa chọn ở khu vực này.
Ở Trung Đông, Mỹ cũng đối mặt với nhiều thách thức an ninh, từ việc Iran đe dọa đóng cửa các tuyến đường thủy quốc tế hay chủ nghĩa khủng bố liên quốc gia dưới cái tên “Nhà nước Hồi giáo - IS.”
Các căn cứ Mỹ ở khu vực này cho phép các nhà hoạch định chính sách Mỹ đối phó tốt hơn với các thách thức, trong khi cùng lúc đó giúp quân đội Mỹ cải thiện năng lực phối hợp với các đồng minh.
Các lập luận tương tự cũng được áp dụng với trường hợp hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đông Á. Về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc đang đe dọa làm xói mòn ổn định và an ninh khu vực, đặc biệt ở Biển Đông.
Mặc dù đề xuất “Cost Plus 50” vẫn chưa được Nhà Trắng xác nhận, nhưng mô hình như vậy giống với phong cách đàm phán của ông Trump.
Trước đây, ông đã sử dụng chiến lược đàm phán “nói thách”, xong cuối cùng lại chấp nhận các điều khoản thấp hơn những gì ông “hét giá” ban đầu.
Trong các cuộc đàm phán mới đây với Seoul về việc yêu cầu Hàn Quốc gia tăng đóng góp cho chi phí đồn trú của quân đội Mỹ tại đó, chính quyền Mỹ ban đầu yêu cầu “Cost Plus 50” nhưng sau đó đồng ý với mức tăng 8,2%.
Hiện cũng dễ hiểu tại sao một thỏa thuận như vậy lại rất thu hút với các nhà lập pháp Mỹ. Quốc hội Mỹ vẫn định kỳ rà soát đóng cửa các căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ để tiết kiệm chi phí.
Việc đóng cửa các căn cứ cũng đồng nghĩa cắt giảm việc làm, bởi vậy việc thực hiện hành động này ở nước ngoài được coi là lựa chọn dễ dàng hơn về mặt chính trị bởi nó không ảnh hưởng đến khả năng tranh cử của bất kỳ ai.
Tuy nhiên, an ninh quốc gia Mỹ không nên bị ảnh hưởng bởi chính trị, mà nên vì lợi ích quốc gia.
Rõ ràng rằng khi tính đến các lợi ích quốc tế của Mỹ và các ràng buộc theo hiệp ước trên thế giới, việc lực lượng Mỹ đồn trú ở nước ngoài là rất có lợi.
Cho dù để chuẩn bị cho việc triển khai quân đến các khu vực như Syria, ngăn chặn Nga hay Iran, đối đầu với Trung Quốc, hay bảo vệ các đại sứ quán Mỹ, thì Washington cũng có thể phô trương lực lượng và phản ứng nhanh và hiệu quả hơn trước các tình huống bất ngờ với việc sử dụng các căn cứ quân sự ở châu Âu, Trung Đông và Đông Á.
Việc thu hẹp năng lực này sẽ chỉ khiến Mỹ suy yếu trên trường quốc tế./.