Tác động từ giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông lên hoạt động ngân hàng

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông trong tổ chức tín dụng được điều chỉnh giảm tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024; theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông giảm từ 15% xuống còn 10%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông trong tổ chức tín dụng đã được điều chỉnh giảm tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống còn 10%; tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó giảm từ 20% xuống 15%. Tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân được giữ nguyên là 5%. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông người ngoài do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung trách nhiệm công bố thông tin toàn diện về các cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, bao gồm thông tin về cổ đông, người có liên quan và chi tiết sở hữu. Khái niệm "người có liên quan" được mở rộng đến cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ nhằm kiểm soát tình trạng sở hữu chéo.

Theo các chuyên gia, việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và người có liên quan sẽ hạn chế khả năng thao túng ngân hàng của một nhóm cổ đông nhỏ. Đồng thời, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp nâng cao tính minh bạch trong quản lý ngân hàng. Các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác rủi ro và tiềm năng của ngân hàng.

Tuy nhiên, đánh giá về tác động của quy định mới, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng dù đã quy định chặt chẽ trong Luật Các tổ chức tín dụng nhưng vẫn có nhiều cách để "lách" tỷ lệ sở hữu như mượn người đứng tên, ẩn tên, chia nhỏ cổ phần sở hữu... Do đó, thực sự phải có quá trình điều tra để nhận diện và xử lý các hành vi vi phạm chứ không chỉ dừng lại ở các quy định, sẽ rất dễ bị vượt qua.

Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh rằng giới hạn về mặt con số chưa chắc đã giải quyết gốc rễ vấn đề. Chẳng hạn quy định tỷ lệ tối đa là 5% nhưng số liệu báo cáo chỉ để mức 4,99%, còn thực tế có thể nắm giữ nhiều cổ phần hơn như vậy. Thêm nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu có thể tạo ra khó khăn trong quản trị ngân hàng. Nếu không có cổ đông lớn nào giữ vai trò dẫn dắt, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc đồng thuận và đưa ra quyết định chiến lược. Tuy vậy, vị luật sư này đánh giá quy định mới là tín hiệu tốt, có thể tạo thêm sự minh bạch nếu ngân hàng và cổ đông nghiêm túc thực hiện.

Chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Shinhan Việt Nam nhận định, hiệu quả của quy định mới phụ thuộc nhiều vào việc giám sát và thực thi của cơ quan Nhà nước. Việc giám sát chặt chẽ và minh bạch sẽ đảm bảo rằng các quy định được thực thi nghiêm túc và hiệu quả. Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng không phải là việc mới xảy ra một sớm một chiều, song tính chất ngày càng phức tạp, việc xử lý cũng không hề đơn giản.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng thông qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Trong trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng xử lý để ngăn ngừa. Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển giao cho Cơ quan Công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) và xử lý.

Trong bối cảnh ngành ngân hàng trải qua nhiều biến động, việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh, minh bạch và bền vững cho hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Luật được phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông ngân hàng theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không chỉ nhằm tạo ra sự minh bạch và an toàn hơn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, mà còn phản ánh xu hướng chung của các tổ chức tín dụng trên thế giới. Dù vậy, để quy định này thực sự hiệu quả, cần có sự đồng bộ từ các biện pháp quản lý, giám sát và thực thi nghiêm túc từ các cơ quan chức năng.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một môi trường tài chính ổn định và bền vững, ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục