Tác động hai mặt tăng lương tối thiểu ở Mỹ

Tác động hai mặt của đề xuất tăng lương tối thiểu tại Mỹ

Việc nâng mức lương tối thiểu sẽ giúp hàng triệu người Mỹ thoát khỏi đói nghèo tuy nhiên kéo theo khoảng nửa triệu người lao động có nguy cơ mất việc.

Việc nâng mức lương tối thiểu sẽ giúp hàng triệu người Mỹ thoát khỏi đói nghèo tuy nhiên kéo theo khoảng nửa triệu người lao động có nguy cơ mất việc.

Đây là kết luận của Cơ quan ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama liên tục hối thúc Quốc hội lưỡng viện sớm chấp thuận đề xuất vốn được nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang đầu năm của vị chính khách này.

Trong bản báo cáo công bố ngày 19/2, CBO nêu rõ 75% sẽ được hưởng lợi từ quyết định nâng lương tối thiểu từ 7,25 USD/giờ hiện nay lên 10,1 USD/giờ, tương đương với mức lương mới của nhân viên liên bang mới được thực thi gần đây.

Theo CBO, nếu như đề xuất tăng lương được thông qua, khoảng 16,5 triệu lao động có cơ hội cải thiện chất lượng sống của mình cho đến giữa năm 2016, tạo động lực đáng kể nhằm thúc đẩy nền kinh tế Mỹ, trong khi đó khoảng 900.000 sẽ thoát khỏi cảnh đói nghèo.

CBO dự đoán thu nhập thực tế của các hộ gia đình đang sống dưới mức nghèo khổ sẽ tăng lên 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đối với người dân thu nhập thấp của Mỹ, báo cáo của CBO cũng quan ngại rằng tăng lương tối thiểu sẽ khiến các chủ lao động tinh giảm biên chế, hạn chế tuyển dụng lao động do chi phí tiền lương tăng, kéo theo các khoản khác cũng tăng.

Cụ thể, đề xuất này đồng nghĩa với việc khoảng 500.000 người dân Mỹ có nguy cơ mất việc làm, giảm 0,3% số việc làm trên thị trường lao động Mỹ.

Phản ứng trước báo cáo trên, ông Jason Furman, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn kinh tế, đã đánh giá cao những đánh giá tích cực của CBO như giảm tỷ lệ nghèo đói, cải thiện thu nhập cho tầng lớp thu nhập thấp, song lại nhận định suy đoán của CBO về sự sụt giảm việc làm trong những năm tới chưa phản ánh quan điểm chung của các nhà kinh tế nước này đưa ra trước đó rằng tăng lương chỉ tạo ra tác động rất nhỏ, thậm chí không ảnh hưởng đến thị trường lao động Mỹ.

Theo ông Jason, cơ quan này chưa đề cập đến lợi ích trước mắt như thúc đẩy năng suất hay hạn chế tình trạng vắng mặt nơi làm việc.

Trong khi đó, giới nghị sỹ Cộng hòa đã chớp lấy cơ hội để chỉ trích đề xuất này, cho rằng tăng lương có thể trở thành chính sách cướp công việc của người lao động Mỹ trong khi chỉ cải thiện cuộc sống của một bộ phận người dân.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng đang hối thúc Quốc hội thông qua dự luật tăng lương cho tất cả người lao động Mỹ lên 10,1 USD/giờ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dự luật nâng lương cho người lao động có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ Cộng hòa với lý do có thể gây tổn hại cho các doanh nghiệp. Một số nghị sỹ Dân chủ cũng không thực sự ủng hộ văn kiện này.

Hiện nay có gần một nửa số bang ở Mỹ áp dụng mức lương tối thiểu cao hơn mức chuẩn 7,25 USD/ giờ nhưng vẫn thấp hơn mức 10,1 USD/ giờ mà Tổng thống Obama đề xuất.

Ngày 12/2 vừa qua, ông chủ Nhà Trắng đã ký sắc lệnh nâng lương tối thiểu của các nhân viên làm việc trong các cơ quan liên bang, từ 7,25 USD/giờ lên 10,1 USD/ giờ, góp phần làm giảm tình trạng bất bình đẳng thu nhập./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục