Trang mạng eurasiareview.com đưa tin thỏa thuận hòa bình Israel-Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về bình thường hóa quan hệ đã khiến nhiều người bất ngờ bởi đây là thỏa thuận đầu tiên giữa Israel với một quốc gia Arab trong 25 năm qua.
Israel đã đồng ý “đình chỉ” các hoạt động ở Bờ Tây để tạo điều kiện cho các mối quan hệ được cải thiện với UAE cùng các quốc gia Arab và Hồi giáo khác.
Thỏa thuận này được cho là đã đạt được qua các cuộc điện đàm bởi các nhà lãnh đạo của hai quốc gia với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/8 và đã được chính thức được ký kết sau đó.
[Dư luận trái chiều về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-UAE]
Mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn rất khó để đánh giá, nhưng chính quyền Trump đang làm việc với các nước vùng Vịnh khác để khiến họ làm theo UAE.
Những người định cư Israel ở Bờ Tây không hẳn hài lòng với thỏa thuận này.
Naftali Bennet, cựu Bộ trưởng Kinh tế và Tôn giáo, đã ca ngợi về thỏa thuận hòa bình này khi nói rằng quan hệ giữa Israel và UAE không còn chịu ảnh hưởng bởi sự ngoan cố của Palestine nữa.
Tuy nhiên, ông chỉ trích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì đình chỉ mở rộng chủ quyền tại Bờ Tây.
Cùng lúc đó, ông Netanyahu cũng khẳng định: “Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ các quyền tại vùng đất của chúng ta” - điều có thể được coi như một tuyên bố chính trị.
Ý nghĩa của thỏa thuận hòa bình
Thỏa thuận hòa bình sẽ có lợi lớn cho cả Israel và UAE, ngoài việc giúp mở rộng vị thế của Thủ tướng Israel Netanyahu và Hoàng Thái tử Mohamed bin Zayed.
Ông Netanyahu đã mô tả thỏa thuận này đã mang lại một nền hòa bình chính thức với một trong các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, và mở ra một kỷ nguyên hòa bình mới giữa Israel và Thế giới Arab.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Netanyahu đã “cảm ơn Tổng thống Ai Cập al-Sisi và chính phủ các nước Oman và Bahrain vì sự hỗ trợ của họ cho thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE, điều giúp mở rộng hòa bình và có lợi cho toàn bộ khu vực."
Tuyên bố của ông Netanyahu cho thấy các nước vùng Vịnh như Bahrain và Oman đã có xu hướng thiết lập hòa bình với Israel trong khi các quốc gia các có thể theo gót, ngoại trừ quốc gia Hồi giáo bảo thủ Qatar.
Israel và Ai Cập đã ký hiệp ước hòa bình năm 1979 và đã thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cả Israel và UAE giờ đây có thể mở các đại sứ quán, hợp tác về thương mại và đầu tư cũng như mở cửa cho việc đi lại và du lịch.
UAE có thể đầu tư vào Israel, hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19), bao gồm phát triển vắcxin, và các du khách của UAE có thể tới thăm nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.
Một điều không kém phần quan trọng sẽ là sự hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, nước, quốc phòng và đổi mới.
Cuộc chơi của Pakistan trong khu vực
Thỏa thuận Israel-UAE rõ ràng đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “choáng váng.”
Ông Erdogan - người đang hy vọng khôi phục Đế chế Ottoman - hôm 14/8 tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc đình chỉ quan hệ ngoại giao với UAE bởi thỏa thuận của nước này với Israel.
Ông từng đưa ra lời đe dọa tương tự hồi tháng 12/2017 khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Ông Erdogan đã bình thường hóa quan hệ với Nga năm 2017.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ là quốc gia Hồi giáo tiếp theo sở hữu vũ khí hạt nhân với sự hỗ trợ từ Pakistan-Trung Quốc.
Việc ngày càng nhiều quốc gia vùng Vịnh ký kết thỏa thuận hòa bình với Israel sẽ gây cản trở các kế hoạch của Trung Quốc nhằm hạ bệ vị thế của Saudi Arabia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và thay thế họ bằng Thổ Nhĩ Kỳ với sự trợ giúp của Pakistan.
Pakistan đã chỉ trích Saudi Arabia bởi nước này đã từ chối chủ trì cuộc họp của OIC về Kashmir và đang xích lại gần Iran theo ý muốn của Trung Quốc mà không thừa nhận các hậu quả chiến lược về sau này.
Bất chấp ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh tại Iran, các lực lượng ủy nhiệm tại Pakistan do nhà nước bảo trợ đã đều đặn tiến hành các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới tại Iran.
Pakistan có thể thậm chí đã chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Iran, nhưng mối quan hệ Iran-Pakistan sẽ không bao giờ giống với quan hệ Pakistan-Saudi Arabia đơn giản bởi Pakistan luôn tự coi mình là nhà lãnh đạo hạt nhân của thế giới Hồi giáo Sunni trong khi Iran coi họ là nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo Shi’ite."
Khu vực Tây Á đã bị tổn thương bởi tình trạng bạo lực trong nhiều thập kỷ qua và phần lớn các nước vùng Vịnh đang tìm kiếm hòa bình và thịnh vượng.
Những nước không ủng hộ hòa bình với Israel có thể vẫn tìm cách gây chia rẽ trong OIC, và Trung Quốc cũng là một trong số đó với mục tiêu theo đuổi giấc mơ “chinh phục thế giới” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Điều này cũng gây rạn nứt trong thế giới Hồi giáo - khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng Qatar và Iran đang đứng về phía Trung Quốc, dù họ không hẳn có cùng quan điểm, và Pakistan với tư cách là “quốc gia chư hầu” của Trung Quốc, sẽ trở thành chiến trường cho chiến tranh thế giới tiếp theo./.