Tác động của khủng hoảng Venezuela với phong trào cánh tả Mỹ Latinh

Hiện có nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng tại Venezuela với các dự án chính trị Mỹ Latinh mà người ta thường gọi là xu hướng cánh tả, dân túy hay lăng kính xã hội.
Khói lửa bốc lên nghi ngút tại hiện trường vụ nổ bồn chứa nhiên liệu của nhà máy xử lý dầu thô nặng Petro San Felix ở San Diego de Cabrutica, miền Đông Venezuela ngày 13/3/2019. (Nguồn: El Tigre/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi cuộc đối đầu giữa chính phủ cánh tả của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập cánh hữu có sự hậu thuẫn của Mỹ và các chính phủ hữu khuynh ở Mỹ Latinh vẫn chưa có hồi kết khiến cho nền kinh tế quốc gia giàu dầu mỏ bậc nhất thế giới dường như sụp đổ.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng kéo dài này cũng có những tác động không nhỏ đối với phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh và dường như đó là cái giá mà cánh tả phải trả cho những gì đang xảy ra ở quốc gia vẫn được coi là đầu tàu của phong trào tiến bộ ở Tây Bán cầu.

Theo mạng tin BBC Mundo, hiện có nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá về những tác động của cuộc khủng hoảng tại Venezuela đối với các dự án chính trị Mỹ Latinh mà người ta vẫn thường gọi là xu hướng cánh tả, dân túy hay xuất phát từ lăng kính xã hội.

Giáo sư trường Đại học Cornell ở New York, ông Edmundo Paz Soldan, cho rằng tác động của sự kiện này có thể “kéo dài trong nhiều năm” và nguyên nhân chính là do thiếu sự đổi mới của lực lượng cánh tả hiện tại.

Dẫn ví dụ trường hợp của cựu ứng cử viên Tổng thống Colombia Gustavo Petro, ông Soldan chỉ rõ mặc dù nhân vật này là một người theo trường phái cánh tả khác với truyền thống, nhưng vẫn bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2018 với cáo buộc ủng hộ tư tưởng Castro-Chavez (cố Chủ tịch Cuba và cố Tổng thống Venezuela).

[Chính phủ Venezuela khẳng định sẽ không để xảy ra nội chiến]

Những sự ủng hộ trước đây của ông Petro đối với cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã bị các đối thủ tận dụng để công kích cho dù trong quá trình tranh cử ông đã tìm cách tránh xa Venezuela.

Giáo sư Soldan khẳng định kinh nghiệm tại Mỹ Latinh cho thấy những chu kỳ thay đổi như thế này không hề ngắn, vì vậy cái giá mà cánh tả Mỹ Latinh phải trả là rất lớn.

Ông Soldan kết luận: “Sự xói mòn tại Venezuela và cả ở Nicaragua có thể thiêu cháy tất cả một thế hệ, một phong trào từng thống trị ở khu vực nếu không có sự đổi mới.”

Trong khi đó, theo phân tích của nhà văn người Peru Juan Manuel Robles, mức độ tác động đối với mỗi nước sẽ khác nhau và bối cảnh chính trị xã hội của các nước ở từng thời điểm sẽ mang tính quyết định. Mặc dù vậy, Venezuela chắc chắn vẫn sẽ là nước chịu tác động lớn nhất.

Ông Robles nhấn mạnh ở tất cả các nước đều sẽ có những khía cạnh riêng và sẽ có những tác động nào đó.

Song mặt khác đối với những chính phủ cánh hữu đang có vấn đề như tại Argentina của Tổng thống Mauricio Macri thì có thể lại là một minh chứng cho thấy điều ngược lại khi người dân nhận rõ bản chất của các chính phủ theo mô hình tự do mới.

Chắc chắn đa số các nước ở khu vực sẽ không áp đặt quan điểm bao trùm như mong muốn của phe cánh hữu khi nói rằng “Maduro đã chứng minh là không có bất kỳ xu hướng cánh tả nào là có giá trị.”

Bolivia là nước Nam Mỹ ủng hộ chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro mạnh mẽ nhất. Sebastian Michel - Đại sứ Bolivia tại Caracas - khẳng định trong các cuộc bầu cử tại các nước ở Mỹ Latinh trong thời gian vừa qua đều không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự tác động của tình hình Venezuela.

Trong trường hợp của Brazil, việc cảnh tả thất bại là do những hành động pháp lý bất thường nhằm vào ứng cử viên Lula da Silva và trước đó là vụ và “đảo chính nghị viện” để phế truất bà Dilma Rousseff.

Trong khi đó tại Ecuador, dự án tiến bộ của cựu Tổng thống Rafael Correa đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, song người mà chính liên minh cánh tả đã đề cử là Lenin Moreno sau khi nhậm chức đã phản bội lại những cam kết giúp ông ta chiến thắng.

Trong năm 2019, các nước Bolivia, Uruguay và Argentina sẽ tổ chức tổng tuyển cử và không thể nói về những thất bại chắc chắn của phong trào cánh tả tại các quốc gia này.

Đại sứ Sebastian Michel cho rằng Bolivia không cảm thấy đơn độc trước xu hướng thay đổi chính trị tại nhiều nước ở Mỹ Latinh và việc chính phủ của Tổng thống Evo Morales ủng hộ cách mạng Venezuela sẽ không tác động tới cuộc bầu cử tại Bolivia vào cuối năm nay, thậm chí nếu thừa nhận ông Guaido thì có thể sẽ tác động tiêu cực hơn rất nhiều đối với cơ hội tái cử của Tổng thống Morales.

Dù sao đi nữa thì “giai đoạn trăng mật” của phong trào cánh tả Mỹ Latinh cũng đã trôi qua khi những sáng kiến hội nhập khu vực của Chavez đang dần bị xóa bỏ, trong đó nạn nhân đầu tiên là Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) đã bị một loạt nước từ chối tham gia, thậm chí Ecuador và Colombia đã tuyên bố rút lui.

Theo giáo sư Soldan, phong trào cánh tả Mỹ Latinh cần phải có những biểu tượng mới và chú trọng vào những vấn đề lớn khác trong xã hội hiện đại như bình đẳng giới, mở rộng phạm vi pháp quyền, đấu tranh chống bất bình đẳng hoặc các vấn đề về môi trường, đồng thời khôi phục việc bảo vệ các giá trị dân chủ.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích chính trị người Colombia Marcela Prieto cho rằng với những trường hợp như Venezuela sẽ khiến cho dư luận đánh giá và muốn xa rời với hình mẫu cánh tả cổ điển.

Bà Prieto kết luận: “Bất cứ đảng phái chính trị mới nào cũng không muốn lặp lại mô hình của ông Chavez và thực thi một cuộc cách mạng như ở Venezuela.

Cần phải có những thay đổi mang tính sâu sắc trong chương trình hành động cho dù họ vẫn theo đuổi mô hình cánh tả nếu thực sự muốn thành công”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục