Tác động của dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc đối với Ấn Độ

Theo nhận định của giới phân tích, dự án Con đường tơ lụa mới tác động đến Ấn Độ trên mọi phương diện cả về thương mại, địa chiến lược và quân sự.
(Nguồn: hindustantimes.com)

Dự án “Con đường tơ lụa mới” hay còn gọi là sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được Trung Quốc đánh giá là một dự án tham vọng “phục vụ hòa bình và thịnh vượng của thế giới.”

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, dự án này tác động đến Ấn Độ trên mọi phương diện cả về thương mại, địa chiến lược và quân sự.

Do vậy, Ấn Độ đã, đang và sẽ bằng mọi cách cản trở tham vọng này của Trung Quốc.

Khi Trung Quốc thông báo về dự án “Con đường tơ lụa mới” vào năm 2013 và giải ngân các quỹ cần thiết để thực hiện dự án này vào tháng 11/2016, Ấn Độ đã chính thức bày tỏ những mối quan ngại sâu sắc.

[Ý đồ của Trung Quốc khi hướng Con đường Tơ lụa đi qua Tehran]

Giới phân tích cho rằng BRI là sự khẳng định mong muốn thống trị của Trung Quốc trên hành lang Á-Âu bao quanh Ấn Độ, hạn chế khả năng Ấn Độ hưởng lợi từ hoạt động giao thương liên lục địa.

Thậm chí sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở Trung Á sẽ đe dọa đến vấn đề an ninh của Ấn Độ.

Giới ngoại giao Ấn Độ coi BRI là biểu hiện của một cường quốc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng cả ở các vùng biển châu Á và châu Á lục địa vì các lý do khác nhau.

Công cụ thao túng dòng chảy thương mại

Trên đất liền, bất luận những bản đồ và kế hoạch của các tuyến đường tơ lụa trên đất liền ra sao, có thể nhận thấy rất ít kết nối cơ sở hạ tầng với Ấn Độ được lên kế hoạch.

Hành lang Trung Quốc-Pakistan nối Kashgar với cảng Gwadar bao quanh Ấn Độ, trong khi hành lang Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM) sẽ cho phép Trung Quốc tiến đến vịnh Bengal qua Myanmar.

Ngoài dầu khí, các khoáng sản do Trung Quốc nhập khẩu cũng có thể đi qua hành lang Trung Quốc-Pakistan.

Theo triển vọng này, Trung Quốc đã chi 3,5 tỷ USD để mua lại mỏ đồng Aynak ở Afghanistan và xây dựng tuyến đường sắt nối tỉnh từ Logar, phía Nam Kabul, đến thị trấn biên giới Torkham của Pakistan.

Ngoài mỏ đồng, Trung Quốc còn quan tâm đến các mỏ sắt và vàng của Afghanistan.

Hành lang Trung Quốc-Pakistan sẽ khắc phục tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng ở Afghanistan và trở thành một phần của dự án lớn hơn cho Trung Á. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ thu hút các hoạt động nhập khẩu, đối trọng với Ấn Độ và Nga.

Do đó, vấn đề kết nối giữa Ấn Độ và Trung Á (không có biên giới chung) là rất quan trọng. Tuy nhiên, để đến Trung Á, con đường ngắn nhất là từ Ấn Độ đi qua Pakistan và Afghanistan.

Kể từ khi quan hệ Pakistan-Ấn Độ rơi vào căng thẳng và Pakistan gia tăng hợp tác với Trung Quốc, việc kết nối trên đất liền với Trung Á ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Ấn Độ buộc phải tiếp cận cảng Chabahar của Iran (10/2017) nhằm tránh được hành lang Trung Quốc-Pakistan, phá thế cô lập Afghanistan ra phía Nam.

Tuyến đường mới này, được phát triển mà không có sự trợ giúp từ nguồn vốn của Trung Quốc, không chỉ phục vụ cho việc bảo đảm trao đổi thương mại của Ấn Độ với Afghanistan, mà còn làm suy yếu khả năng của Pakistan trong việc đẩy cao chi phí cho bất kỳ hoạt động quá cảnh hàng hóa nào trên lãnh thổ Pakistan.

Để ngăn chặn các dự án BRI trên đất liền của Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang đàm phán với các đối tác khác như Iran và Nga về kế hoạch cho một tuyến đường đa phương với dự án Hành lang Giao thông Bắc-Nam nối Mumbai đến St. Petersburg, qua Tehran và Baku. Dự án này sẽ tạo điều kiện gia tăng trao đổi thương mại song phương giữa Ấn Độ và Nga.

Bên cạnh đó, dự án đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan sẽ cho phép vùng Đông Bắc của Ấn Độ tiếp cận các tuyến đường mới đến Đông Nam Á, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Ấn Độ đến khu vực này.

Trên biển, sự xuất hiện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương cũng là thách thức đối với Ấn Độ khi ngày càng nhiều các cơ sở cảng biển có liên quan đến Trung Quốc được vận hành, đặc biệt là cảng Gwadar ở Pakistan.

Việc Trung Quốc đầu tư và quản lý cảng Gwadar có thể tạo điều kiện để các tàu khu trục Trung Quốc tiếp cận trong trường hợp xảy ra tranh chấp hàng hải hoặc cướp biển.

Tháng 7/2017, Chính quyền Sri Lanka cũng đã ký một thỏa thuận với Bắc Kinh tương tự như thỏa thuận Gwadar với các cơ sở cảng biển ở Hambantota. Tiếp đến vào tháng 12/2016, Trung Quốc đã ký một loạt các thỏa thuận xây dựng cảng biển ở Bangladesh trị giá 21 tỷ USD.

Tháng 10/2017, Trung Quốc tiếp tục giành được hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cảng vận chuyển dầu mỏ đến nhà máy lọc dầu Chittagong. Điều này một lần nữa khẳng định Trung Quốc có thể kiểm soát hoạt động vận chuyển đường biển hàng hóa nhập và xuất khẩu từ Ấn Độ.

Lợi thế trong đàm phán đa phương

Trong các cuộc đàm phán, bằng cách nâng cao sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với các quốc gia có các tuyến đường tơ lụa đi qua, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh ảnh hưởng của mình trong các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Một khi trở thành hiện thực, RCEP sẽ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm hơn 45% dân số thế giới và là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Khi bước vào vòng đàm phán thứ 20, Trung Quốc đang xem xét phải nhượng bộ nhiều hơn về thương mại hàng hóa, chứ không phải dịch vụ như mong muốn của Ấn Độ.

Được đưa ra lần đầu tiên bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ 5 năm trước, các cuộc đàm phán RCEP dự kiến sẽ sớm kết thúc và bất kỳ việc quy định thuế quan nào cũng đều có lợi cho Trung Quốc. Để tham gia RCEP, Ấn Độ sẽ phải giảm thuế quan.

Nhưng không giống như Trung Quốc, việc xóa bỏ chính sách bảo hộ ở Ấn Độ là một thách thức lớn đối với chính quyền. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành công nghiệp, đơn giản là không thể cạnh tranh với Trung Quốc, ngoài một số ngành công nghiệp như dệt may và dược phẩm.

Với RCEP tập trung vào Trung Quốc, Ấn Độ sẽ gặp khó khăn hơn khi tham gia các chuỗi giá trị châu Á.

Chuỗi dự án liên kết nhằm mục đích chiến lược

Chương trình kết nối cơ sở hạ tầng cũng sẽ làm tăng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc tại các khu vực hàng hải liên quan tới “Con đường tơ lụa mới,” bao gồm Ấn Độ Dương, vùng biển của Vịnh Bengal và Biển Oman.

Mối bận tâm chính của Ấn Độ là các cơ sở hạ tầng mới được liên kết đến Trung Quốc và do Trung Quốc đầu tư, có thể sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự và chiến lược.

Chính phủ Ấn Độ cũng đặc biệt quan tâm đến hành lang Trung Quốc-Pakistan bao gồm các dự án trên lãnh thổ Kashmir mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Đây chính là lý do để Ấn Độ vận động đưa vào một điều khoản trong Điều lệ của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (được cho là tài trợ cho một số dự án BRI mà Ấn Độ tham gia), theo đó cần phải có sự thống nhất đối với các dự án được tài trợ trong các vùng tranh chấp.

Vị trí địa lý của Pakistan cản trở Ấn Độ tiếp cận trực tiếp tới Afghanistan, trong khi vị trí chiến lược của Pakistan lại cho phép Trung Quốc kiềm chế, hoặc ít nhất là cảnh báo về sự trỗi dậy của Ấn Độ như là sức mạnh trên bộ và hàng hải.

Ở Nam Á, vị trí địa chính trị và chiến lược của Ấn Độ (Ấn Độ chiếm 75% dân số, GDP và lãnh thổ khu vực) đã buộc các nước nhỏ như Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh tìm cách liên kết với Trung Quốc để làm đối trọng.

Chính vì vậy, hàng loạt các cảng biển của các quốc gia này cho phép Trung Quốc phát triển chuỗi ngọc trai của mình bằng cách hạn chế khả năng của Ấn Độ kiểm soát Ấn Độ Dương.

Với vị trí địa chiến lược của Đông Nam Á, nơi có gần 40% giao dịch xuyên biên giới toàn cầu, khu vực này cũng trở thành một khu vực trung tâm cho tất cả hội nhập kinh tế và địa chiến lược.

Tính trung tâm này không chỉ mang ý nghĩa về thương mại, bởi vì khu vực này bao gồm một số quốc gia nằm trong các tổ chức khu vực mà Ấn Độ là thành viên.

Ngoài ASEAN, các tổ chức khu vực như Sáng kiến Vịnh Bengal về Hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), Ủy ban sông Mekong (MRC) và Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đều sẽ chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề an ninh khu vực

Trong vấn đề về an ninh, việc xây dựng BRI sẽ củng cố các vị trí của Pakistan trên một phần của Kashmir, được Trung Quốc hỗ trợ và luôn bị Ấn Độ phản đối.

Ngoài ra, việc xây dựng này còn làm gián đoạn sự kết nối của Ấn Độ với Afghanistan, một đồng minh thiết yếu để gây áp lực với Pakistan trên hai mặt trận quân sự.

Rõ ràng Pakistan và Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Ấn Độ. Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và các cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan đã để lại bối cảnh (cơ sở hạ tầng, như đường giao thông) không nhằm mục đích hội nhập mà là phòng thủ.

Chừng nào biên giới Trung-Ấn vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, tạo ra xung đột xuyên biên giới cường độ thấp, thì hai nước sẽ không thể thiết lập mức độ tin cậy lẫn nhau tối thiểu cần thiết cho bất kỳ công trình xuyên biên giới nào.

Các tuyến đường tơ lụa cũng có thể khả năng làm gia tăng chủ nghĩa trung lập Trung quốc trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), bởi vì các nước Trung Á trước bối cảnh các vấn đề an ninh sẽ phải hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc để đảm bảo sự an toàn cho công dân Trung Quốc trên lãnh thổ của các quốc gia này.

Ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ khuyến khích các nước láng giềng này hợp tác trao đổi thông tin nhằm đảm bảo cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, đặc biệt là ở Tân Cương.

Chắc chắn, do là thành viên đầy đủ của OCS vào mùa hè năm 2017, Ấn Độ đang xây dựng một cửa ngõ vào Trung Á, nhưng ưu thế của Trung Quốc trong tổ chức sẽ giới hạn phạm vi đa phương mà Ấn Độ muốn có được bằng cách trở thành thành viên.

Tuy nhiên, sự ổn định và an ninh của Ấn Độ cũng liên quan chặt chẽ đến ổn định và an ninh ở Trung Á và việc Ấn Độ hội nhập vào SCO sẽ cho phép nước này tham gia tích cực vào tất cả các sáng kiến mới nổi để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa khủng bố, cấp tiến và chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.

Một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất đối với New Delhi vẫn là sự hiện diện của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Bất cứ lúc nào, Trung Quốc sẽ có thể phá vỡ một cuộc phong tỏa của Ấn Độ.

Các cơ sở cảng biển và cơ sở quân sự của Trung Quốc có thể cho phép nước này thiết lập một hệ thống radar cảnh báo về bất kỳ chuyển động nào của hải quân Ấn Độ.

Do đó, “chuỗi ngọc trai” Trung Quốc là nhằm chống lại mọi nỗ lực của Ấn Độ trong việc cắt đứt nguồn cung dầu mỏ cũng như những loại khoáng sản khác đến Trung Quốc.

Có thể thấy những mối quan ngại sâu sắc của Ấn Độ là hậu quả của sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với Trung Quốc. Các dự án kết nối giữa Trung Quốc và Ấn Độ xuất hiện trong mọi trường hợp đều không khả thi.

Tuyến đường sắt TransAsian nối Thượng Hải đến Istanbul qua Delhi sẽ khó được triển khai trong trung hạn và dự án đường cao tốc Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar sẽ không thể trở thành hiện thực ở một khu vực bất ổn.

Sự thiếu kết nối giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể vì hơn 90% thương mại quốc tế đều diễn ra bằng đường biển. Ngược lại, một khi các quốc gia giáp với Ấn Độ (các đối tác kinh tế và chiến lược của Ấn Độ) trở thành các “vệ tinh” của Trung Quốc, các tuyến đường tơ lụa chắc chắn sẽ làm suy yếu vị thế của Ấn Độ.

Căng thẳng Trung-Ấn thời gian gần đây tiếp tục gia tăng sau vụ đụng độ nghiêm trọng ở biên giới hai nước khiến chính phủ hai nước bước vào một giai đoạn đầy thách thức mới.

Việc cùng lúc phải đấu tranh trên nhiều mặt trận, từ cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 gây ra, đến các cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ và Australia, sẽ buộc Trung Quốc phải kiềm chế gia tăng căng thẳng với Ấn Độ bất luận quan điểm cứng rắn trong vấn đề chủ quyền.

Đối với Ấn Độ, việc gia tăng căng thẳng với Trung Quốc cũng sẽ không phải là lựa chọn của chính quyền hiện nay. Ấn Độ sẽ phải chấp nhận thực tế này để hạn chế xung đột leo thang với Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục