Tác động của dịch COVID-19 tại Trung Quốc kéo giá dầu châu Á đi xuống

Chuyên gia cho rằng tâm lý thận trọng đang chi phối thị trường dầu mỏ giữa những nghi ngờ về chu kỳ tăng lãi suất của Fed, sự gia tăng bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ.
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong phiên giao dịch chiều 16/1, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, dù vẫn gần mức cao nhất trong năm 2023, khi sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc “phủ bóng” lên triển vọng nhu cầu cao hơn tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.

Vào lúc 14 giờ 45 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 62 xu Mỹ (0,7%) xuống 84,66 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 51 xu Mỹ (0,6%) xuống 79,35 USD/thùng.

Nhà phân tích Priyanka Sachdeva, tại công ty tài chính Phillip Nova, nhận định cả hai loại dầu WTI và Brent đều giảm khi các nhà đầu tư đánh giá số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng tại Trung Quốc có thể tạo ra rào cản trong quá trình trở lại trạng thái bình thường.

Chuyên gia Sachdeva cho rằng tâm lý thận trọng đang chi phối thị trường dầu mỏ giữa những nghi ngờ về chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự gia tăng bất ngờ trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ và triển vọng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có thể điều chỉnh lại triển vọng về giá dầu và nhu cầu trong năm hay.

[Giá dầu tăng hơn 8% trong tuần nhờ triển vọng nhu cầu của Trung Quốc]

Cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đều tăng hơn 8% trong tuần trước, mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng Mười. Điều này đã thúc đẩy một số hoạt động bán ra chốt lời. Các nhà giao dịch cho biết mặc dù giá đã giảm sau đợt tăng đột biến vào tuần trước, song vẫn gần mức cao nhất năm 2023.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 12/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu đi lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tăng trở lại.

Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ (Australia) đánh giá mức độ giao thông ở Trung Quốc đang tiếp tục phục hồi từ mức thấp kỷ lục sau khi nới lỏng chính sách hạn chế do dịch COVID-19, dẫn đến nhu cầu đối với các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ mạnh hơn.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và IEA sẽ công bố báo cáo hàng tháng của họ trong tuần này. Các nhà đầu tư đang chờ đợi các báo cáo này để theo dõi chặt chẽ về triển vọng cung và cầu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục