Tác động của dịch COVID-19 đối với sáng kiến 'Vành đai và Con đường'

Cơ sở hạ tầng y tế ở hầu hết các nước tham gia BRI đều yếu kém và khả năng gián đoạn kinh tế chung rất cao bởi tình hình tài chính của nhiều quốc gia còn yếu.
Tác động của dịch COVID-19 đối với sáng kiến 'Vành đai và Con đường' ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một xưởng may ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 13/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tác động tiêu cực đối với hợp tác trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc trong năm 2020.

Do phải tập trung vào giải quyết khủng hoảng y tế và tái khởi động hoạt động kinh tế trong nước, Trung Quốc sẽ không ưu tiên hoạt động cho vay, thương mại và đầu tư ở nước ngoài trong khuôn khổ sáng kiến này.

Việc virus SARS-CoV-2 lây lan ra toàn cầu sẽ đặt ra những thách thức lớn nhất đối với sự hợp tác trong BRI.

Cơ sở hạ tầng y tế ở hầu hết các nước tham gia BRI đều yếu kém và khả năng gián đoạn kinh tế chung rất cao bởi tình hình tài chính của nhiều quốc gia còn yếu.

[Dịch bệnh làm thay đổi vai trò toàn cầu hóa của Trung Quốc]

Bên cạnh đó, dù các gói kích thích sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, nhưng những hạn chế kéo dài đối với việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa sẽ làm suy yếu triển vọng thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong năm 2020.

Các hoạt động trong khuôn khổ BRI sớm nhất là đến năm 2021 mới có thể trở lại bình thường.

Sự sụp đổ kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ tác động mạnh đến hoạt động đầu tư và thương mại của các nước BRI trong năm 2020 do Trung Quốc phải đối phó với cuộc khủng hoảng y tế ở trong nước và do đại dịch đã lan rộng ra toàn thế giới.

Do đó, triển vọng của BRI sẽ kém sáng trong năm 2020, đặc biệt là khi nỗi ám ảnh khủng hoảng kinh tế đang lan rộng khắp các nền kinh tế mới nổi.

Những yếu tố này sẽ gây tác động mạnh đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài chính và đầu tư từ Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Một trong những thách thức ngắn hạn lớn nhất mà BRI phải đối mặt xuất phát từ chính cuộc chiến chống COVID-19 của Trung Quốc.

Mặc dù đến giữa tháng Tư, cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc đã ổn định, nhưng EIU dự báo sự phục hồi kinh tế trong năm nay của Trung Quốc nhìn chung sẽ theo hình chữ U, với việc đến tận nửa cuối của năm 2020, tăng trưởng kinh tế mới chắc chắn hơn. Điều này sẽ gây ra nhiều hậu quả.

Trực tiếp nhất, dự kiến cả xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc sẽ giảm, trong khi dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc sẽ gia tăng trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn.

Tất cả những điều này sẽ tạo sức ép lên dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2020. Điều này sẽ hạn chế hoạt động cho vay trong BRI, vốn phần lớn được thực hiện bằng đôla Mỹ, trong tương lai.

Năm nay, các nhà hoạch định chính sách cũng thận trọng với việc sử dụng khoản dự trữ ngoại hối, đặc biệt là trong bối cảnh có nguy cơ phải sử dụng nhiều khoản dự trữ này để giảm áp lực mất giá đối với đồng nhân dân tệ khi điều kiện kinh tế xấu đi hơn nữa.

Một cách gián tiếp, những hướng dẫn về chính sách sắp tới có thể sẽ ưu tiên các nỗ lực xúc tiến đầu tư và thương mại trong BRI theo hướng có lợi cho các biện pháp bình ổn trong nước.

Điều này có thể tạo ra những rào cản hành chính đối với việc phê duyệt dự án và đầu tư do sự chú ý chính sách được chuyển hướng sang các vấn đề khác.

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc vượt ra khỏi bóng đêm khủng hoảng, nhu cầu của các nước tham gia BRI đối với dòng thương mại và đầu tư của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vẫn yếu và tình hình kéo dài đến cuối năm 2020.

Triển vọng thương mại và đầu tư trong BRI

 Triển vọng thương mại và đầu tư Trung Quốc-BRI đã không đồng đều trong năm 2019.

Tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang các nước BRI tương đối ổn định trong năm 2019 - tăng tương ứng là 7,5% (lên 736 tỷ USD) và 3% (lên tới 580 tỷ USD), nhưng dòng đầu tư trực tiếp ở nước ngoài (ODI) trong khoảng thời gian này giảm 3,8% (còn 15 tỷ USD) do tâm lý doanh nghiệp quốc tế xấu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Mặc dù vậy, tổng giá trị các dự án xây dựng Trung Quốc mới ký kết tại các quốc gia tham gia BRI đã tăng 23,1%, điều này cho thấy hoạt động này sẽ vẫn tốt kéo dài sang năm 2020.

Dữ liệu từ tháng 1-3/2020 cho thấy hoạt động thương mại và đầu tư trong BRI vẫn khá mạnh, bất chấp sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng Hai.

Tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và các quốc gia BRI trong quý 1/2020 giảm 2% so với năm trước, tính theo đồng USD, (so với mức giảm chung là 13,4%), chủ yếu là với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi các công ty đa quốc gia chuyển hướng dòng chảy thương mại để đối phó với chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Trung Quốc.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài đến các nước thuộc BRI trong khoảng thời gian từ tháng 1-2/2020 (theo dữ liệu mới nhất có sẵn) tăng 18,3%, mặc dù có được mức tăng này một phần là do cơ sở so sánh của năm trước thấp.

Kết quả này khó có thể duy trì đến quý 2/2020 vì có thêm nhiều quốc gia thực hiện biện pháp cô lập để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cơn gió ngược này sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 khi hoạt động kinh tế ở Bắc Mỹ và châu Âu sụp đổ, làm giảm động lực chính của nhu cầu thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Căng thẳng thanh khoản và sự tê liệt chuỗi cung ứng kéo dài trên phạm vi toàn cầu cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động của công ty đa quốc gia và các thị trường tiền tệ khu vực, trong khi những hạn chế đối với sự di chuyển của người dân và hàng hóa sẽ gây khó khăn cho các liên kết kinh tế xuyên biên giới.

Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia BRI cũng cho thấy một cuộc chiến nhân đạo kéo dài chống lại virus SARS-CoV-2.

Điều này sẽ làm cho thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh ở các nước này vừa nghiêm trọng vừa kéo dài. Mặt khác, điều này sẽ làm cho các nước đang phát triển không tái khởi động lại các hoạt động kinh tế quá nhanh, do lo ngại với làn sóng lây nhiễm thứ hai hoặc thứ ba.

Mặc dù Trung Quốc có thể tìm thấy cơ hội trong việc xuất khẩu các thiết bị y tế và dược phẩm cho các quốc gia BRI, nhưng "ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc, cho đến nay, đã xoay quanh việc khai thác các cơ hội thương mại để hỗ trợ các nhà xuất khẩu của nước này thay vì hỗ trợ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho những nước bị ảnh hưởng.

Mức thu nhập của hộ gia đình ở các nước BRI thấp, kết hợp với việc mua sắm công cũng hạn chế do tình hình tài khóa yếu, có thể khiến một số nhà xuất khẩu Trung Quốc không tham gia vào các thị trường này.

Trong khi bất kỳ một sự thay đổi cũng mất thời gian để thực hiện, dòng thương mại Trung Quốc-BRI hiện tại chủ yếu bao gồm máy móc và hàng hóa.

Các nhà xuất khẩu hàng hóa y tế của Trung Quốc mới vào các thị trường này sẽ cần tìm đối tác nhập khẩu, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và tìm các chương trình tài chính thương mại để có thể bắt đầu bất kỳ luồng thương mại mới nào.

Tuy nhiên, đây có thể trở thành một con đường cho sự hợp tác BRI trong tương lai vào cuối năm 2020, khi nhu cầu đối với các sản phẩm y tế do Trung Quốc sản xuất tăng lên ở khắp thế giới đang phát triển.

Những câu hỏi xung quanh vấn đề nợ

Đại dịch COVID-19 cũng đã làm nổi lên bóng ma vỡ nợ trên khắp các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.

Điều này có thể đe dọa đến các khoản cho vay hiện tại của Trung Quốc được giải ngân dưới cái ô BRI, do những chậm trễ không thể tránh khỏi và chi phí vượt dự toán làm tăng nhu cầu tài chính (hoặc trì hoãn hoạt động trả lãi vay) đối với các dự án đang thực hiện hoặc đã hoàn thành.

Trung Quốc sẽ chịu áp lực xóa hoặc gia hạn nợ cho một số quốc gia BRI vì sự mất giá của đồng nội tệ tạo ra các mối đe dọa đối với khả năng thanh toán nợ và trả lãi.

Đây là một mối quan ngại đặc biệt đối với các quốc gia châu Phi và châu Mỹ Latinh, những nước đang bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hóa nguyên liệu bốc hơi và đối mặt với cán cân tài khoản vãng lai và tài khóa suy giảm mạnh trong năm nay.

Các quốc gia châu Á khác, như Pakistan và Indonesia, cũng sẽ thấy đồng tiền của họ suy yếu trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm đến các bãi đáp an toàn hơn.

Trung Quốc đã thể hiện một phần sự sẵn sàng cung cấp các chương trình xóa, giảm nợ cho một số quốc gia thu nhập thấp.

Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), một trong những ngân hàng chính sách lớn thực hiện việc cho vay trong BRI, đã cam kết hỗ trợ các quốc gia bị đại dịch COVID-19 tấn công với các điều khoản tài chính chi phí thấp và các khoản vay đặc biệt cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều khả năng là các ngân hàng Trung Quốc sẽ buộc phải giãn, giảm nợ rộng hơn do các điều khoản bất khả kháng hoặc các thỏa thuận khác.

Việc xóa nợ trên diện rộng có thể tạo ra một chu kỳ phản hồi tiêu cực làm nản lòng hoạt động cho vay của Trung Quốc trong phần còn lại của năm 2020 và có thể là năm 2021.

Ngay cả khi Trung Quốc tăng cường cho vay ưu đãi đối với các nước này, là một phần của việc xóa nợ hay là các biện pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2, dự kiến các khoản Trung Quốc cho các nước BRI vay sẽ giảm trong năm nay.

Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng tại các nước BRI giảm. Tuy vậy, trong một số trường hợp, việc không tham gia vào các hoạt động trả lãi vay có thể mở đường cho việc các nhà đầu tư Trung Quốc thu hồi một số tài sản nhất định, đôi khi là do các điều khoản hợp đồng quy định.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có các điều khoản như vậy, các điều kiện kinh tế đang xấu đi có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc làm điều đó với một mức giá thấp hơn.

Sự cảnh giác đối với dự án BRI

Động lực dự án BRI vẫn tương đối ổn định trong quý đầu tiên, bất chấp cú sốc đối với hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Từ tháng Một, Trung Quốc đã ký rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng khu vực mới trên khắp châu Á, bao gồm một số dự án BRI ở Myanmar và nhiều dự án đường sắt trên khắp châu Phi.

Những dự án đã được lên kế hoạch và đang tồn tại phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Ngoài những gián đoạn tài chính do sự bùng phát của dịch bệnh gây ra, hoạt động xây dựng của các dự án BRI sẽ phải đối mặt với trì hoãn đáng kể do việc hạn chế đi lại và kiểm soát biên giới đang được áp dụng rộng rãi, ảnh hưởng đến việc nhập khẩu lao động người Trung Quốc.

Các báo cáo tin tức đã chỉ ra rằng việc xây dựng cảng Colombo ở Sri Lanka, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia và các dự án trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) và Đặc khu kinh tế Sihanoukville (Campuchia) đã bị chậm hoặc tạm dừng do hậu quả của cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, các dự án khác dọc theo Con đường tơ lụa kỹ thuật số có thể ít bị gián đoạn hơn.

Tác động của dịch COVID-19 đối với sáng kiến 'Vành đai và Con đường' ảnh 2Biểu tượng Huawei. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Huawei, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, đã tiếp tục thúc đẩy chiến lược triển khai mạng 5G.

Trong quý đầu năm 2020, Huawei đã ký các thỏa thuận với các công ty ở Oman, Kenya, Indonesia, Tunisia và Maldives, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Huawei cũng đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 223 triệu USD tại Pháp để sản xuất các sản phẩm không dây, đây là sự hiện diện đầu tiên theo mô hình này của Huawei ở châu Âu.

Mặc dù tình trạng đình trệ kinh tế toàn cầu sẽ làm chậm các mốc thời gian của những dự án này, nhưng sự hỗ trợ chính sách của Trung Quốc đối với việc phát triển mạng 5G, như một phần của chiến lược lớn hơn nhằm dẫn đầu toàn cầu trong việc triển khai mạng 5G, có thể giúp đầu tư trong lĩnh vực này phục hồi nhanh hơn so với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là khi các nhà sản xuất linh kiện công nghệ Trung Quốc nối lại hoặc duy trì hoạt động sản xuất của mình.

Tuy nhiên, sự phản đối ngoại giao đối với BRI sẽ vẫn tồn tại, với việc cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ làm cho quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng.

Tháng 1/2020, do áp lực của Mỹ, Romania đã chấm dứt hợp đồng với Trung Quốc xây dựng một lò phản ứng hạt nhân. Điều này cho thấy những thách thức lâu dài trong việc thiết lập một sự hiện diện đầu tư mạnh mẽ hơn của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu.

Khi Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về trách nhiệm đối với virus SARS-CoV-2 và vấn đề lãnh đạo toàn cầu, các quốc gia khác sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn đối tác ngày càng khó khăn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục