Tác động của CBAM: Lĩnh vực thép có khả năng giảm 4% giá trị xuất khẩu

Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%.
Dự báo tiêu thụ thép sẽ phục hồi trong năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lĩnh vực bất động sản trầm lắng cộng theo nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đã tác động không nhỏ tới ngành thép trong năm 2023. Tuy vậy, nhiều dự báo cho thấy sau giai đoạn trầm lắng, nhiều chính sách vĩ mô sẽ có tác động tích cực tới ngành thép trong năm nay.

Nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những cơ hội của ngành thép Việt Nam trong năm 2024, cũng như giải pháp để ngành thép Việt Nam đón đầu những xu hướng mới của kinh tế thế giới.

Sức mua yếu cản trở doanh nghiệp thép hồi phục

Nhìn lại năm vừa qua, xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn đối với ngành thép của Việt Nam?

Ông Phạm Công Thảo: Có thể thấy, trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp.

Đáng chú ý, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục được Chính phủ triển khai tích cực trong năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp từng bước khôi phục và vượt qua khó khăn, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù vậy, năm 2023 tiếp tục là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành thép Việt Nam. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nhu cầu thấp, sức mua yếu đã cản trở doanh nghiệp thép hồi phục trong năm 2023.

Đơn cử như, đầu ra chính của thị trường thép nội địa là thị trường bất động sản thì tiếp nối đà ảm đạm từ năm 2022, thậm chí đóng băng ở nhiều phân khúc trong năm 2023 do ách tắc pháp lý, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thu nhập của các hộ gia đình giảm sút.... Một kênh tiêu thụ khác của thị trường thép là mảng đầu tư công thì trong năm 2023 lại chủ yếu là các dự án đường cao tốc nên nhu cầu sử dụng thép lại không nhiều.

Thị trường xuất khẩu cũng đầy chông gai khi nhu cầu tiêu dùng thép yếu ở hầu hết các khu vực trên thế giới, áp lực mất cân bằng cung cầu càng gia tăng khi thép Trung Quốc giá rẻ tràn ngập trên thị trường toàn cầu. Năm 2023, Trung Quốc - quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới đã xuất khẩu ra thế giới trên 90 triệu tấn thép, tăng trưởng trên 36% so với năm 2022.

Cuộc cạnh tranh về giá cũng ngày càng trở nên khốc liệt hơn khiến cho doanh nghiệp thép khó có cơ hội cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong năm 2023, giá thép thành phẩm giảm nhiều hơn mức giảm giá nguyên liệu đầu vào do áp lực giảm giá để cạnh tranh tiêu thụ.

Ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2023, sản xuất thép các loại giảm 7% so với cùng kỳ; tiêu thụ giảm 5,3%, trong đó tiêu thụ nội địa giảm 15,6%. Xuất khẩu tăng trưởng 29,1% chủ yếu từ tăng trưởng xuất khẩu HRC của Hòa Phát và Formosa, còn thép xây dựng xuất khẩu giảm 21,1%, thép cuộn cán nguội xuất khẩu giảm 5,5%.

- Ông đánh giá như thế nào về áp lực ngành thép trước các quy định mới của EU và các thị trường lớn xuất khẩu của thép Việt Nam?

Ông Phạm Công Thảo: Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020, thị trường thép Việt Nam đã liên tục mở rộng thị phần xuất khẩu sang EU và hiện là một trong các thị trường xuất khẩu chính của ngành thép Việt Nam.

Theo số liệu hải quan, trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu trên 2,5 triệu tấn các mặt hàng thép sang thị trường này, tăng gấp đôi so với năm 2022. Lượng thép xuất khẩu sang thị trường EU chiếm 23% tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tuy vậy, từ giữa năm 2023, xuất khẩu sang thị trường EU phải đối mặt với 02 rào cản lớn: các biện pháp tự vệ và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Rào cản đầu tiên đến từ các biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thép nhập khẩu khi Quy định mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 của EU sẽ tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu vào EU đến 30/6/2024. Việt Nam để được miễn thuế tự vệ sẽ phải duy trì tỷ trọng xuất khẩu ở dưới mức 3% tổng kim ngạch EU nhập nhẩu đối với từng loại sản phẩm, nếu vượt hạn ngạch, mức thuế nhập khẩu phải nộp cho phần vượt là 25%.

Rào cản thứ hai là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước sở tại. Hiện tại cơ chế này đang ở giai đoạn 1 khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong đó có các doanh nghiệp thép phải khai báo mức phát thải.

Tuy vậy, trong tương lai, khi cơ chế CBAM bước vào các giai đoạn tiếp theo, các doanh nghiệp thép trong đó có Việt Nam bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026 sẽ làm gia tăng chi phí, khó cạnh tranh về mặt giá trị nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất. Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu sản phẩm sang EU. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhìn chung, thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam đã và sẽ bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ của các nước và các yêu cầu về phát thải cacbon. Tính từ năm 2004 đến nay, ngoại trừ các chính sách phòng vệ của các nước mà Việt Nam không phải đối tượng, đã có hơn 70 vụ việc điều tra có tác động đến thép xuất khẩu từ Việt Nam như chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh...

Để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về phát thải của CBAM, trong thời gian qua Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức nhiều hội thảo, thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật tới các doanh nghiệp thành viên về các chính sách, yêu cầu của CBAM đối với sản phẩm nhập khẩu. Các buổi hội thảo đều mời đại diện các cơ quan Nhà nước như (Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường...) tham dự để nắm bắt thực trạng và cùng đồng hành, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành thép một cách hiệu quả nhất.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn

- Theo các chuyên gia, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tạo ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực xuất khẩu, song ở chiều ngược lại, sức cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng lớn hơn, vậy với ngành thép, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Phạm Công Thảo: Đúng như vậy, cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2024 ngày càng trở khốc liệt hơn trong những năm gần đây và cũng như những năm tới do công suất sản xuất nhiều sản phẩm vượt xa nhu cầu nội địa; ngoài ra thị trường trong nước còn chịu áp lực lớn hơn từ thép nhập khẩu, đặc biệt là thép có nguồn gốc Trung Quốc và ASEAN.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, thị trường thép xuất khẩu của Việt Nam cũng đối mặt với thách thức bị thu hẹp dẫn tới hệ lụy các doanh nghiệp không xuất khẩu được sẽ quay trở lại tăng cường bán hàng tại thị trường trong nước, làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.

Do áp lực cạnh tranh cao, nhiều năm nay hầu hết các doanh nghiệp thép trong nước không huy động được hết công suất thiết kế. Nếu tính chung toàn ngành, thép xây dựng, tôn mạ, ống thép chỉ huy động được dưới 60% công suất thiết kế. Việc này là một sự lãng phí nguồn lực kinh tế cũng như gây thiệt cho các nhà sản xuất, lợi nhuận từ mỗi tấn thép sản xuất ra lại rất ít, điều này ảnh hưởng tới phát triển của doanh nghiệp thép nói riêng và ngành thép Việt Nam nói chung.

Đánh giá cho thấy, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt, tính bất định gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi còn chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào; căng thẳng chính trị.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thế giới do đó sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường thép thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Thị trường đầu ra lớn nhất của ngành thép là thị trường bất động sản. Tuy nhiên ngành bất động sản và xây dựng dân dụng vẫn cho thấy nhu cầu yếu, trong khi các dự án hạ tầng đang triển khai chưa thúc đẩy nhu cầu thép một cách rõ rệt.

Sự phục hồi của ngành thép có thể mang tính dài hạn hơn, dự kiến thể hiện rõ nét hơn trong 6 tháng cuối năm 2024 khi các nút thắt của ngành bất động sản tại Việt Nam và Trung Quốc được từng bước tháo gỡ, dù vậy, thị trường xuất khẩu gặp thêm khó khăn khi nhiều quốc gia phát triển đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới với lý do môi trường…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá năng lượng, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, giá điện dự kiến tiếp tục tăng. Cùng với đó là rủi ro về tỷ giá có thể tác động bất lợi đến chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu của các doanh nghiệp thép do hiện nay phần lớn các nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.

- Để giúp ngành thép nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng xuất khẩu, theo ông Nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành?

Ông Phạm Công Thảo: Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023. Trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có khả năng phục hồi yếu trong năm 2024 do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu (lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Việt Nam), lượng tiêu thụ thép được dự báo sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Nhìn chung, VNSteel nhận định thị trường thép năm 2024 tiếp tục diễn ra trong bối cảnh dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng yếu và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi tuy nhiên mức độ phục hồi yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, cạnh tranh về giá thép thành phẩm nội địa năm 2024 được đánh giá sẽ khốc liệt hơn những năm trước khi công suất sản xuất nhiều sản phẩm vượt xa nhu cầu, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng vệ của các nước và các yêu cầu về phát thải carbon, trong khi đó thị trường nội địa chịu áp lực lớn hơn từ thép nhập khẩu. Cùng với đó là rủi ro về tỷ giá có thể tác động bất lợi đến chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu của các doanh nghiệp thép do hiện nay phần lớn các nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.

Về phía Tổng công ty Thép cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phòng vệ thương mại để hạn chế thép giá rẻ, chất lượng kém làm ảnh hưởng tới thị trường, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Ngành thép của Việt Nam có thể bị tác động bởi CBAM. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngoài ra, Chính phủ có định hướng chiến lược để ngành thép phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời có các biện pháp và hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, cũng như loại bỏ dần năng lực sản xuất kém hiệu quả và lạc hậu.

Để phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời kỳ phát triển mới của đất nước, Việt Nam cần có các định hướng chính sách để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản, từng bước thúc đẩy phát triển các mác thép đặc biệt và hợp kim có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của ngành cơ khí, chế biến chế tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép công nghệ và thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiên với môi trường.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục