Tổ chức cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) ngày 16/1 thông báo việc vận chuyển và tiêu hủy các chất nguy hiểm nhất trong kho vũ khí hóa học của Syria có thể bị trì hoãn vì lý do an ninh và một số vấn đề hậu cần khác, song khẳng định không thay đổi hạn chót của kế hoạch tiêu hủy tất cả số vũ khí này vào cuối tháng 6/2014.
Ban đầu, thời điểm cuối tháng 3/2014 là hạn chót cho việc tiêu hủy khí mù tạt và các thành phần hóa học chế tạo khí độc Sarin và VX - những chất hóa học dạng "ưu tiên A."
Tuy nhiên, Syria đã không hoàn thành kế hoạch chuyển số vũ khí này tới cảng Latakia theo đúng hạn ngày 31/12/2013.
Tới nay, số lượng Syria vận chuyển được tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 5%.
Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu cho biết quá trình vận chuyển vũ khí hóa học trong khi đang có nội chiến ở Syria luôn đầy thách thức, đồng thời tiếp tục kêu gọi sự phối hợp của các nhóm đối lập ở nước này.
Mối quan ngại lớn nhất hiện nay là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khâu vận chuyển từ các cơ sở của Syria tới cảng Latakia của nước này. Từ đây, tàu Đan Mạch sẽ vận chuyển số vũ khí này tới cảng của Italy, dự kiến cập cảng vào đầu tháng Hai tới.
Trong khi đó, Chính phủ Italy đã chấp thuận phương án của cộng đồng quốc tế đối với số vũ khí hóa học qua lãnh thổ nước này.
Thông cáo của Chính phủ nước này khẳng định rằng việc chuyển số vũ khí từ tàu của Đan Mạch sang tàu chiến Mỹ MV Cap Ray để tiêu hủy trên vùng biển quốc tế sẽ được thực hiện "trong điều kiện an toàn tuyệt đối" nhằm đảm bảo sự ổn định và an ninh ở khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông.
Tàu MV Cape Ray, được trang bị đặc chủng để tiêu hủy ngoài khơi các chất độc thần kinh nguy hiểm nhất, dự kiến sẽ tới Địa Trung Hải vào cuối tháng Một này.
Việc bốc dỡ và chuyển số vũ khí hóa học từ tàu Ark Futura của Đan Mạch sang tàu của Mỹ phải hoàn thành trong vòng 48 giờ.
Chính phủ Italy cũng công bố Gioia Tauro, một trong những cảng lớn nhất ở miền Nam Italy, sẽ là bến trung chuyển 560 tấn vũ khí hóa học này.
Quyết định trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ chính quyền thành phố, khi cho rằng họ bị áp đặt và không hề được thông báo trước về việc này.
Công tác phối hợp quốc tế giúp tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria cũng đang tiếp tục được tăng cường.
Ngày 16/1, Anh thông báo đã chuyển giao hợp đồng tiêu hủy 150 tấn chất hóa học cho công ty tư nhân Veolia của Pháp. Số này, chủ yếu gồm các chất hóa học công nghiệp dùng trong ngành dược phẩm, sẽ được xử lý tại nhà máy của Veolia ở cảng Ellesmere, vùng Cheshire, Anh.
Đây là lần đầu tiên việc tiêu hủy các vũ khí hóa học từ Syria được giao cho một công ty tư nhân./.