Syria: Phiến quân Ahrar al-Sham bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn

Ngày 11/9, Ahrar al-Sham - nhóm phiến quân có tầm ảnh hưởng tại Syria - đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian.
Cảnh đổ nát sau vụ đánh bom tại khu vực Bab Tadmur thuộc tỉnh Homs ngày 5/9. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo AFP, ngày 11/9, Ahrar al-Sham - nhóm phiến quân có tầm ảnh hưởng tại Syria - đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn trên bắt đầu có hiệu lực.

Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Youtube, Ali al-Omar, phó thủ lĩnh của Ahrar al-Sham, cho rằng thỏa thuận trên chỉ nhằm "củng cố" chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và "gia tăng nỗi thống khổ" đối với người dân.

hó thủ lĩnh nhóm nổi dậy nhấn mạnh: "Người dân không thể chấp nhận những giải pháp nửa vời. Thỏa thuận Mỹ-Nga sẽ khiến thành quả và sự hy sinh của những người đã đứng lên tan thành mây khói. Nó sẽ chỉ nhằm củng cố sức mạnh cho chính phủ và vây hãm cuộc cách mạng bằng quân sự."

Ahrar al-Sham, có tầm ảnh hưởng lớn trên chiến trường Syria, là nhóm nổi dậy đầu tiên chính thức có phản ứng trước thỏa thuận đạt được hôm 9/9, sau các cuộc đàm phán dai dẳng tại Geneva (Thụy Sĩ).

Ngày 11/9, Iran đã hoàn nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga làm trung gian, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ chế giám sát toàn diện, nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố lợi dụng thỏa thuận này.

Trong một tuyên bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Ghasemi nói rằng Tehran hoan nghênh bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào tại Syria, qua đó tạo điều kiện để các hoạt động cứu trợ nhân đạo có thể tiếp cận người dân ở những vùng khó khăn của quốc gia Trung Đông này.

Khi đề cập đến một thỏa thuận chấm dứt các hoạt động thù địch đã đổ vỡ cách đây vài tháng, ông Ghasemi nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tuân thủ một thỏa thuận ngừng bắn bền vững, đồng thời thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn diện, nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng để vận chuyển vũ khí và lực lượng."

Theo ông Ghasemi, tính liên tục và lâu dài của thỏa thuận ngừng bắn phụ thuộc vào cơ chế giám sát toàn diện, đặc biệt là việc kiểm soát các khu vực biên giới để ngăn chặn hoạt động của các nhóm khủng bố, nhất là hoạt động vận chuyển vũ khí và tài chính.

Trước đó ngày 9/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Mỹ và Nga đã đạt được một thỏa thuận với hy vọng giảm thiểu bạo lực và mang lại hòa bình cho Syria.

Theo ông Kerry, nếu thỏa thuận ngừng bắn này được thực thi nghiêm túc, đây có thể là "thời điểm bước ngoặt," mở đường cho các nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Một ngày sau đó, chính quyền Syria Đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 12/9./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục