Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/9 đã đạt được thỏa thuận về việc cùng nhau giám sát khu vực giảm căng thẳng thứ tư xung quanh tỉnh Idlib, Syria, như là một phần trong kế hoạch của Nga nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.
Tuyên bố chung sau hai ngày đàm phán tại Astana, Kazakhstan, ba quốc gia nói trên đã đồng ý “phân bổ” lực lượng giám sát khu vực bao gồm tỉnh Idlib đang do lực lượng đối lập kiểm soát, các khu vực sát với Latakia, Hama và Aleppo.
Nga, Iran và lực lượng đối lập tại Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn vào tháng Năm vừa qua đã đồng ý thành lập 4 “khu vực giảm căng thẳng” tại các vùng lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát tại Syria nhằm chấm dứt đụng độ giữa các lực lượng trung thành với Chính phủ Syria và phe đối lập ôn hòa.
Kể từ đó, Nga đã tích cực thúc đẩy thành lập 3 khu vực giảm căng thẳng tại Homs, Đông Ghouta và tại tỉnh Derea ở biên giới phía Tây Nam Syria với Jordan.
Tuy nhiên, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đồng thuận được các chi tiết của khu vực an toàn cuối cùng xung quanh tỉnh Idlib giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara và Tehran cạnh tranh mở rộng ảnh hưởng vào khu vực này.
Tỉnh Idlib bị liên minh các tay súng Hồi giáo Thánh chiến và đối lập Syria chiếm năm 2015, đến nay vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria.
Tuyên bố chung nêu trên cũng cho biết các lực lượng của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai dọc theo các giới tuyến đã được các bên đồng ý vào đầu tháng này tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết về thời gian và các địa điểm chính xác.
Một “Trung tâm điều phối chung Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ” cũng sẽ được thành lập để “điều phối các hoạt động của các lực lượng giảm căng thẳng."
Trưởng đoàn đàm phán Nga Alexander Lavrentyev đánh giá thỏa thuận là “giai đoạn cuối cùng” trong việc thành lập 4 khu vực giảm căng thẳng, cũng như khẳng định thỏa thuận sẽ “tạo ra lộ trình rõ ràng về việc chấm dứt đổ máu," đưa đến hy vọng “khôi phục cuộc sống hòa bình."
Tuy nhiên, ông Lavrentyev cũng thừa nhận vẫn còn “một chặng đường dài phía trước để tăng cường niềm tin” giữa Chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al Assad và các nhóm vũ trang đối lập dù cả hai đều gửi phái đoàn tham gia đàm phán hòa bình.
Đại diện đoàn đàm phán của Chính quyền Syria, ông Bashar al-Jaafari, cho biết Damas “ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào tại Syria nhằm tiến tới chấm dứt đổ máu và giảm đau thương."
Chiến sự trên thực địa đã giảm tại các khu vực giảm căng thẳng, cho phép Damas tập trung nhiều binh lực hơn cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura kêu gọi “mang động lực của Astana” tới đàm phán về Syria do Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva.
Ông nhấn mạnh "Không có khu vực giảm căng thẳng nào có thể được duy trì mà không có một tiến trình chính trị toàn diện và tiến trình đó phải dựa vào đàm phán tại Geneva."
Các bên tham gia đàm phán hòa bình đồng ý tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào tháng 10 tới tại Astana, Kazakhstan./.