Syria muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học

Syria tuyên bố muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học và sẵn sàng cho Liên hợp quốc tiếp cận kho vũ khí hóa học của nước này.

Ngày 10/9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem tuyên bố Damascus muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học và sẵn sàng cho các nước khác cùng Liên hợp quốc tiếp cận kho vũ khí hóa học của nước này.

Trong tuyên bố gửi hãng thông tấn Nga Interfax, ông Muallem nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng nêu rõ vị trí cất giữ vũ khí hóa học, ngừng sản xuất vũ khí hóa học và cho phép các đại diện của Nga cũng như các nước khác và LHQ tham quan các kho vũ khí này. Chúng tôi muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học. Chúng tôi sẽ tôn trọng các cam kết của mình liên quan đến hiệp ước trên, kể cả cung cấp thông tin về những vũ khí này”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng ngày đã hối thúc chế độ Syria “thành thật chìa tay” và nắm bắt cơ hội “để cố gắng kiến tạo hòa bình” ở quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu ngay sau khi Ngoại trưởng Syria nói Damascus muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học, ông Kerry cho biết ông hy vọng chính quyền Syria chuẩn bị sẵn sàng vì mục tiêu đó và “giúp chúng tôi làm việc với Nga trong những ngày tới để tìm ra cơ chế có thể chuyển sự kiểm soát những vũ khí này cho quốc tế”.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ nên từ bỏ phương án sử dụng vũ lực tại Syria để cho phép triển khai các biện pháp kiểm soát kho vũ khí hóa học của chính quyền Damascus.

Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: “Tất cả những điều này sẽ có ý nghĩa và phát huy tác dụng nếu phía Mỹ và tất cả những bên ủng hộ Washington từ bỏ phương án sử dụng vũ lực”. Ông Putin hy vọng kế hoạch của Nga “sẽ là bước đi phù hợp tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng John Kerry cho biết nội trong tối 10/9, Nga sẽ gửi cho Mỹ các chi tiết của đề xuất nhằm bảo vệ kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, ông khẳng định bất cứ kế hoạch nào cũng phải đi kèm với “những hậu quả”, nếu đây chỉ là một chiến thuật trì hoãn nhằm né tránh hành động quân sự của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục