Sỹ tử khối C, D nhăn trán với "lối sống khôn khéo”

Cả hai câu hỏi nghị luận của đề thi môn Văn hai khối C và D năm nay đều đề cập đến đặc điểm tính cách, lối sống của người Việt Nam.
Cả hai câu hỏi nghị luận của đề thi đều đề cập đến đặc điểm tính cách, lối sống của người Việt. Câu hỏi mang tính bình luận khá rộng này khiến không ít thí sinh nhăn nhó vì khó. “Đánh vật” với “lối sống khôn khéo” Tác phẩm "Hai đứa trẻ" và "Tây Tiến" đều không lạ lẫm với sỹ tử thi ngữ văn khối C sáng nay tuy nhiên, câu nghị luận xã hội về lối sống khôn khéo lại khiến nhiều thí sinh nhăn trán. Đỗ Văn Cường, thí sinh tại điểm thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, đề thi năm nay khá ngắn gọn và giúp thí sinh định hướng cách làm bài. Tuy nhiên, để làm tốt bài thi lại không dễ. Các câu hỏi về tác phẩm "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam hay về hình tượng người lính trong bài thơ "Tây Tiến," về tác phẩm "Đời Thừa" và "Chiếc thuyền ngoài xa," thí sinh có thể làm được, dù tương đối dài. Tuy nhiên, cũng theo nhiều sỹ tử khối C, câu nghị luận năm nay không hề dễ dàng. Đề thi yêu cầu thí sinh trình bày quan điểm về nhận định đặc điểm tính cách người Việt: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.” Nguyễn Thanh Bình, thí sinh thi tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, câu 2 bày tỏ quan điểm tích cực và tiêu cực về lối sống khôn khéo tương đối "khó lường". "Trước khi thi, em cứ mong câu nghị luận đề Văn năm nay sẽ gần gũi như bình luận về vấn đề thần tượng giới trẻ như năm trước thế nhưng với vấn đề sự khôn khéo thì rộng và khó hơn," Bình nói. Cũng theo một số sỹ tử vừa thi xong môn Ngữ Văn sáng nay, nội dung này câu hỏi này cũng mất nhiều thời gian để suy nghĩ, trong đó có việc lấy ví dụ để làm bài.

Đề thi môn văn khối C năm 2013
Nhăn trán vì “lối sống thụ động” Giống như đề thi khối C, câu hỏi nghị luận trong đề thi khối D cũng làm thí sinh đau đầu vì hỏi về lối sống của người Việt. Câu hỏi đề nghị thí sinh trình bày ý kiến về quan điểm cho rằng “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người ăn theo chứ không phải là người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.” Thí sinh Nguyễn Thị Quý, thi vào Học viện Ngân hàng chia sẻ: “Phần nghị luận xã hội là câu dễ nhưng cũng khó nhất. Dễ để viết lên những suy nghĩ của mình chứ không lệ thuộc vào sách vở, nhưng khó ở chỗ làm thế nào để triển khai mạch lạc rõ ý.” Quý cho biết, ngay khi đọc đề hết một lượt em đã vạch một dàn ý đại cương và căn thời gian làm bài cho mình, để tránh bị quá sa đà kiểu “đầu voi đuôi chuột.” Theo nữ thí sinh này, em đã dành 40 phút để tập trung cho câu nghị luận đầu tiên.

Đề thi môn Văn khối D năm 2013
Còn thí sinh Nguyễn Văn Đức lại có sự phản ánh, phần nghị luận xã hội luôn là câu được nhiều thí sinh mong chờ và khó đoán nhất. Đánh giá đề thi rất hay, phản ánh lối sống của người Việt nhưng Đức vò đầu bứt tai bảo: “Khi đọc đề, có rất nhiều ý cần triển khai nhưng em lại khá rối trong cách diễn đạt. Em nghĩ câu này em chỉ được khoảng nửa số điểm là may mắn lắm rồi.” Đánh giá chung của các thí sinh là đề Văn khối D khá ngắn gọn cụ thể, nhưng có khá ít thí sinh làm dư thời gian do phân bố thời gian để đào sâu làm kỹ từng câu nên khó tránh khỏi lối diễn đạt sa đà, lan man. Nhiều thí sinh cũng “nhăn nhó” kêu đề Văn năm nay khó hơn đề năm ngoái. Bên cạnh câu nghị luận, nhiều thí sinh khối D cũng “vật vã” với câu hỏi về tác phẩm "Người lái đò sông Đà," một trong những tác phẩm khó nhất của chương trình phổ thông. Mặt khác, câu hỏi chính trong bài lại rơi vào tác phẩm "Vội vàng," đã học từ năm lớp 11 nên có thí sinh chủ quan, không ôn kỹ. Như vậy, các thí sinh khối C đã có một kỳ thi không mấy suôn sẻ khi đề thi môn Lịch sử và Ngữ văn đều được đánh giá là tương đối khó. Chiều nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố đáp án các môn thi./.
PV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục