Swiftonomics và đòn bẩy phát triển kinh tế từ các show ca nhạc 'triệu đô'

Con số doanh thu từ "The Eras Tour" của Taylor Swift đang làm nức lòng các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á. Chiến lược đầu tư của Singapore đang truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Nữ ca sỹ đang sở hữu những show ca nhạc "bom tấn" trên thị trường quốc tế. (Ảnh: Instagram Taylor Swift)

The Eras Tour của nữ ca sỹ Taylor Swift sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 4/3 và ngày 7 đến 9/3 tại Sân vận động Quốc gia Singapore. Nhiều khán giả quốc tế trong đó có các bạn trẻ Việt Nam đã đổ về Singapore để thưởng thức 6 đêm diễn.

Các chuyên gia kinh tế thế giới đã nhận định rằng The Eras Tour ​sẽ tạo ra khoảng 260 đến 371 triệu USD doanh thu từ du lịch cho Singapore. Con số này sẽ còn tăng trong tương lai bởi Singapore đã trở thành đất nước độc quyền The Eras Tour tại Đông Nam Á.

“Nước cờ” này của Singapore có thể là bài học kinh nghiệm để phát triển kinh tế, công nghiệp văn hóa cho Việt Nam trong bối cảnh ngày càng nhiều ngôi sao quốc tế “để mắt” đến đất nước hình chữ S.

Chính phủ chi 'mạnh tay' cho văn hóa

Khi Taylor Swift đặt chân đến bất cứ thành phố nào thì người hâm hộ lập tức đổ xô đến thành phố đó để được tận mắt nhìn ngắm thần tượng. Qua đó, nền kinh tế, du lịch bản địa sẽ được hưởng lợi. Hiện tượng này được các chuyên gia kinh tế thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System - FED) gọi là "Swiftonomics" (nền kinh tế Taylor Swift).

Sân bay Changi tổ chức đêm nhạc beJEWELed phục vụ người hâm mộ từ nước ngoài. (Ảnh: STB)

Đầu năm 2023, Singapore đã đạt được thỏa thuận với nữ ca sỹ, trở thành quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á tổ chức The Eras Tour. Chính phủ Singapore “chịu chi” tài trợ 2-3 triệu USD cho mỗi đêm diễn của Taylor Swift, khẳng định rằng nhiều nước cần "Swiftonomics" để kích cầu du lịch sau đại dịch.

Theo ông Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank, các show diễn của Taylor Swift ​​sẽ tạo ra khoảng 260-371 triệu USD doanh thu từ du lịch.

Ông tin rằng danh tiếng của du lịch Singapore sẽ vang dội khắp thế giới bởi nữ ca sỹ biểu diễn cho hơn 300.000 người trong 6 đêm diễn nhưng số người theo dõi trên mạng xã hội của cô là 534 triệu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Tổng cục Du lịch Singapore tại Việt Nam (STB) cho biết cơ quan này đã triển khai hàng loạt chương trình kích cầu, ưu đãi cho du khách đến Singapore để tham dự The Eras Tour.

Cụ thể, từ 28/2 đến 7/3, khu phức hợp giải trí Marina Bay Sands tổ chức triển lãm Taylor Swift và các buổi trình diễn ánh sáng dưới nền nhạc của nữ ca sỹ, Sân bay Quốc tế Changi treo banner chào mừng người hâm mộ. Tổng cục Du lịch Singapore cũng thiết kế những tour ngắn phục vụ du khách trong lúc chờ đến giờ vào sân vận động. Khi xuất trình vé Eras Tour, du khách cũng sẽ nhận được các ưu đãi tham quan, mua sắm.

“Sự kiện này có khả năng tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Singapore, đặc biệt là từ các hoạt động du lịch như khách sạn, bán lẻ, du lịch và ăn uống, cũng như ở các thành phố khác mà Taylor Swift đã biểu diễn,” đại diện STB cho biết.

Những năm gần đây, Việt Nam được xem là điểm đến mới của các ngôi sao quốc tế. Đặc biệt, năm 2023, hàng loạt tên tuổi “khủng” liên tiếp “đổ bộ” Việt Nam với những show diễn đỉnh cao.

Các thành viên Maroon 5 đến Phú Quốc trình diễn chính tại nhạc hội 8Wonder. (Ảnh: VinGroup)

Charlie Puth, BlackPink, Maroon 5 lưu diễn tại Việt Nam khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chứng tỏ rằng Việt Nam đang dần trở thành điểm đến yêu thích của các ngôi sao quốc tế. Điều này cũng xóa đi định kiến rằng các đơn vị sản xuất của chúng ta chỉ có thể mời những tên tuổi đã bớt “hot.”

Ông Hoàng Linh, Tổng đạo diễn HAY Fest khẳng định Việt Nam đang là một điểm đến sáng của khu vực châu Á. Một trong những yếu tố giúp thị trường Việt Nam "ghi điểm" là sự lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Ông Linh dẫn ra một số trường hợp các nghệ sỹ quốc tế sang Việt Nam diễn thời gian qua như 911, The Moffatts, BlackPink, Charlie Puth… khi đăng tải các bài viết về show diễn tại Việt Nam trên mạng xã hội thì đều nhận về lượng tương tác cực “khủng” từ người hâm mộ Việt Nam.

Hạ tầng tổ chức ngày càng hiện đại cùng sự cuồng nhiệt của fan Việt đã khiến các nghệ sỹ quốc tế bắt đầu nghiêm túc coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng.

Các show ca nhạc đỉnh cao không chỉ đem lại cảm xúc tuyệt vời mà còn để lại những giá trị thực hiện hữu thông qua những con số. Chẳng hạn, trong hai ngày diễn ra Born Pink World Tour Hanoi, tổng số khách du lịch đến Thủ đô đạt khoảng hơn 170 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 630 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với trung bình hàng năm. Không dừng lại ở lợi ích kinh tế, việc các ngôi sao thế giới chọn Việt Nam làm điểm đến còn từng bước nâng cao vị thế nước ta trên bản đồ nghệ thuật biểu diễn thế giới.

Cần một 'hệ sinh thái' văn hóa

Lợi ích đã rõ ràng, song làm thế nào để thu hút thêm nhiều nghệ sỹ quốc tế, để công nghiệp văn hóa tạo ra sự đột phá cho kinh tế Việt Nam thì đây là câu hỏi lớn.

Ông Phạm Xuân Quý, chuyên gia tổ chức sự kiện, cho hay các công ty tổ chức sự kiện tại Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các show diễn nước ngoài.

Khi thưởng thức The Eras Tour tại Singapore, ông Quý nhận thấy có sự khác biệt rất lớn về cơ sở hạ tầng của sân vận động, từ cách thiết kế bố trí sân vận động với khoảng khuôn viên khá lớn, có trung tâm thương mại ngay gần địa điểm biểu diễn để khán giả có thể “giết thời gian” trước khi vào show.

Theo ông Quý, ngành công nghiệp biểu diễn không thể phát triển riêng biệt mà cần liên kết mạnh mẽ với các ngành dịch vụ khác để thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài. Do đó, cơ quan quản lý du lịch và đơn vị tổ chức sự kiện cũng như doanh nghiệp địa phương cần “bắt tay” hợp tác lâu dài để tạo ra các gói dịch vụ.

Nhóm nhạc BlackPink có hai đêm diễn bùng nổ tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Tiến sỹ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến này. Bà cho rằng để có thể cạnh tranh với các quốc gia đã trở thành điểm hẹn biểu diễn của các ngôi sao trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi hơn, hấp dẫn hơn, cũng như tạo thêm sự đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình giải trí, nghệ thuật trong nước.

Theo bà Daisy, để làm được điều này, cần một chiến lược dài hơi không chỉ đến từ phía các công ty biểu diễn mà cả sự chung tay của Nhà nước trong việc xây dựng một “hệ sinh thái” nội dung văn hóa.

Cùng chung quan điểm, nhạc sỹ Quốc Trung cho rằng lễ hội âm nhạc gắn liền với công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Một lễ hội âm nhạc muốn tồn tại và phát triển, phải trở thành biểu tượng của địa phương, phải được người dân quan tâm và tự hào và thấy mình trong đó.

“Ở nhiều nơi trên thế giới, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền luôn là điều kiện tối thiểu cần thiết để xây dựng và phát triển. Chỉ khi chúng ta ý thức được về lợi ích của nó thì mới có thể xây dựng và phát triển," nhạc sỹ khẳng định.

Tiến sỹ Đặng Thiếu Ngân, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học Hàn Quốc (KRAV) cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc hỗ trợ về ngân sách, có khung pháp lý rõ ràng ngay từ đầu để các nhà sáng tạo yên tâm thoả sức mình.

Nhìn sang Hàn Quốc, Chính phủ có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn. Ở thời kỳ đầu, Hàn Quốc tập trung phát triển phim (điện ảnh, truyền hình) tại khu vực châu Á. Giai đoạn sau, Hàn Quốc đầu tư cho K-Pop với phạm vi phát triển tại châu Á, lan tỏa sang châu Âu, châu Mỹ với các kênh bổ sung từ internet như YouTube, Twitter, Facebook, Instagram... Với giai đoạn ba (từ năm 2010 đến nay), Hàn Quốc xác định “Văn hoá Hàn” (K-Culture) cần phủ sóng toàn thế giới, tập trung vào các hệ thống truyền hình địa phương, trên internet và bao gồm cả các nền tảng nội dung OTT như Netflix, Disney+…

“Để xác định các giai đoạn phát triển và sản phẩm mục tiêu của giai đoạn đó, chúng ta phải căn cứ vào các nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng cũng như tiềm lực của đất nước. Nếu như chúng ta có những hành động thật bài bản theo hướng như vậy, tôi tin các lựa chọn đưa ra sẽ là chính xác,” bà Ngân nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục