SVB phá sản: Đằng sau "điệp vụ giải cứu" bất thành của Goldman Sachs

Theo kế hoạch, Goldman Sachs sẽ mua một danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21,5 tỷ USD từ SVB để tăng ngân quỹ, sau khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu rút tiền gửi từ Silicon Valley Bank (SVB).
SVB phá sản: Đằng sau "điệp vụ giải cứu" bất thành của Goldman Sachs ảnh 1(Nguồn: AP)

Theo các nguồn tin thân cận, khi Tập đoàn tài chính SVB, công ty mẹ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vật lộn với tình trạng thiếu vốn và khả năng bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm vào tuần trước, tập đoàn này đã tìm đến Goldman Sachs Group Inc và vạch ra một kế hoạch bất thường.

Theo kế hoạch, Goldman Sachs sẽ mua một danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21,5 tỷ USD từ SVB để tăng ngân quỹ, sau khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu rút tiền gửi từ SVB.

Tuy nhiên, có một trở ngại. Lời đề nghị của Goldman Sachs cho danh mục đầu tư thấp hơn 1,8 tỷ USD so với giá trị sổ sách mà SVB đã ấn định, do lãi suất tăng đã khiến danh mục này trở nên kém giá trị hơn. Do đó, SVB phải ghi nhận khoản lỗ đối với danh mục đầu tư, bao gồm trái phiếu Chính phủ Mỹ và các trái phiếu có liên quan.

Tiếp theo, Goldman Sachs đưa ra giải pháp, với việc tổ chức một đợt bán cổ phiếu trị giá 2,25 tỷ USD cho SVB để bù đắp khoảng trống ngân quỹ do việc bán danh mục đầu tư trái phiếu.

Goldman Sachs chỉ thực hiện bước đầu tiên của kế hoạch đó. Sau khi thỏa thuận bán danh mục đầu tư trái phiếu hoàn tất, ngân hàng này không có thời gian để thuyết phục các nhà đầu tư đổ tiền vào kế hoạch mua cổ phiếu và xoa dịu những lo ngại khiến khách hàng đổ xô rút tiền ra khỏi SVB.

Một trong những nguồn tin cho biết thời gian eo hẹp đã dẫn tới việc thiếu chuẩn bị tài liệu cho các nhà đầu tư vào đầu tuần trước. Kế hoạch bán cổ phiếu đổ vỡ và SVB trở thành ngân hàng lớn nhất nước Mỹ phá sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vụ việc đã làm dấy lên mối lo ngại về những ngân hàng khác và thúc đẩy các biện pháp can thiệp để bảo vệ tiền gửi của khách hàng.

[Nhiều "đại gia" đầu tư cân nhắc mua lại danh mục cho vay của SVB]

Theo các nhà quan sát, Goldman Sachs và SVB đã đánh giá thấp những thách thức của việc tăng vốn xét về thời gian lẫn sự quan tâm của nhà đầu tư. Cuối cùng, chỉ có hai công ty cổ phần tư nhân được mời tham gia đợt tăng vốn vào tuần trước là General Atlantic và Warburg Pincus.

Tuy nhiên, Warburg Pincus đã từ chối thỏa thuận này vì cần thêm thời gian để thực hiện thẩm định. General Atlantic cam kết tài trợ 500 triệu USD, nhưng đã từ bỏ khi việc huy động vốn thất bại.

Các ngân hàng cũng tính toán sai cách các nhà đầu tư sẽ phản ứng với việc bán cổ phiếu.

Một trong những nguồn tin cho biết hai ngân hàng tin rằng các nhà đầu tư sẽ hoan nghênh kế hoạch này như một lợi ích cho tình hình tài chính của SVB, nhưng nó đã phản tác dụng và thay vào đó gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại khiến cổ phiếu của SVB sụt giảm 60%.

Tâm trạng của các nhà đầu tư vốn đã căng thẳng sau khi ngân hàng Silvergate Capital Corp do Goldman Sachs tư vấn đã buộc phải đóng cửa vào ngày hôm trước.

Việc xử lý thương vụ SVB của Goldman Sachs, nhà giao dịch thành công nhất dựa trên dữ liệu bảng xếp hạng, đã thu hút sự chú ý của Phố Wall.

Michael Ohlrogge, Phó Giáo sư tại Đại học Luật New York, cho rằng mặc dù Goldman Sachs có thể không xử lý mọi thứ một cách "chính xác," nhưng nó đã nhận một nhiệm vụ khó khăn ngay từ đầu. Trong khi đó, SVB đã tự đặt mình vào một vị trí rủi ro.

Tuy nhiên, đối với Goldman Sachs, thỏa thuận thất bại này vẫn có một tia hy vọng. Danh mục đầu tư trái phiếu mà ngân hàng này có được từ SVB hiện có giá trị hơn, dựa trên sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc kể từ khi giao dịch xảy ra. Một nguồn thân cận cho biết khoản lãi sẽ dưới 100 triệu USD.

Hiện không rõ liệu Goldman Sachs vẫn nắm giữ toàn bộ hay chỉ một phần danh mục đầu tư trái phiếu sau khi bán bớt. Trong một hồ sơ ngày 14/3, SVB cho biết việc bán danh mục đầu tư trái phiếu của họ cho Goldman Sachs được thực hiện với "giá thương lượng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục