Mạng tin newtimes mới đây đăng bài viết của ông Michel Barnier - cựu Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp và hiện là trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU) - bàn về tương lai của châu Âu.
Theo ông Barnier, "tương lai là châu Âu"- suy nghĩ từng được phần lớn người châu Âu tin là sự thật - đang ngày càng trở nên lung lay.
Theo bài viết, trong khi những ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đang diễn ra trước mắt thì lựa chọn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và căng thẳng địa chính trị leo thang ở nhiều nơi đang là những thách thức mới đối với an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu.
[Thủ tướng Theresa May khẳng định Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3]
Bên cạnh đó còn là sự lan tràn của những tin tức giả và các cuộc tấn công khủng bố, gần đây nhất là tại Strasbourg, Pháp, trong mùa Giáng sinh vừa qua.
Tuy nhiên, hiện chưa phải lúc nghĩ tới tư tưởng chủ bại.
Hơn bao giờ hết, người dân châu Âu cần hành động tập thể nhằm bảo vệ các giá trị và trật tự quốc tế được hình thành dựa trên luật pháp.
Đây có thể là thời điểm của châu Âu, dựa trên một EU quyết đoán và mạnh mẽ hơn, như Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi gần đây.
Để làm được điều đó, châu Âu phải cùng nhau đối phó với những thách thức về chủ quyền, và đảm bảo có một cơ chế điều hành kịp thời.
Điều này có nghĩa cần xác định cả chủ quyền quốc gia và của châu Âu trong thương mại, quốc phòng và lĩnh vực dữ liệu số, không để Trung Quốc và Mỹ áp đặt luật lệ của họ lên châu Âu.
Đồng thời, cần đưa các chính phủ quốc gia và các thể chế của EU tới gần người dân châu Âu hơn. Như những gì Brexit và các cuộc biểu tình "áo vàng" đã thể hiện, những đường đứt đoạn cắt ngang các xã hội châu Âu không thể tiếp tục bị làm ngơ.
Theo ông Barnier, để nắm giữ được thời cơ trong năm 2019, các nhà lãnh đạo châu Âu nên tập trung vào 4 điểm ưu tiên then chốt. Đầu tiên là xây dựng một "châu Âu Xanh."
Nếu mọi quốc gia trên thế giới có lượng tài nguyên như phần lớn các nước châu Âu, thì thế giới cần gấp 3 lần lượng tài nguyên như thế để duy trì cuộc sống của mọi người.
Đây không chỉ là vấn đề đối với các thế hệ tương lai. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí sẽ lấy đi hơn 3,4 triệu năm cuộc sống trên khắp châu Âu mỗi năm.
Để tạo ra một cách đối phó tổng thể đối với thách thức này sẽ cần tới mọi đòn bẩy chính sách có thể sử dụng được, từ ủng hộ tài chính dành cho các hoạt động xanh tới giảm ô nhiễm và khuyến khích các nhà sản xuất từ bỏ các công nghệ đã lỗi thời.
Tuy nhiên, ông Barnier cho rằng EU cần suy nghĩ và hành động một cách bạo dạn hơn, theo tinh thần của những người đang kêu gọi một "Thỏa thuận Xanh mới" tại Mỹ.
Châu Âu có thể trở lãnh đạo toàn cầu trong việc phát triển một nền kinh tế tuần hoàn (mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường), và đến năm 2030 trở thành lục địa đầu tiên chỉ sử dụng các phương tiện vận chuyển dùng nhiên liệu sạch và phương tiện đi lại bằng điện. Hơn nữa, các biện pháp để đạt được những mục tiêu này cần được thúc đẩy trong xã hội.
Nếu các chính sách công bằng và hợp lý, chúng có thể cải thiện sức khỏe của toàn dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không tạo ra thêm gánh nặng cho người dân.
Ưu tiên thứ hai là xây dựng một nền kinh tế phục vụ mọi người. Hiện nay có khoảng 17 triệu người thất nghiệp tại châu Âu, trong đó khoảng 35% hoặc hơn là những thanh niên trẻ ở Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh thu nhập ở nhiều nước thành viên EU không bắt kịp mức trung bình của toàn EU, sự hội tụ về kinh tế đang bị đình trệ.
Trong một thế giới cạnh tranh địa kinh tế ngày càng gia tăng, ông Barnier cho rằng EU phải củng cố nền tảng của mình nếu muốn duy trì mô hình xã hội-thị trường như hiện nay.
Điều đó có nghĩa rằng cần làm đậm lên vai trò của thị trường chung, và đảm bảo rằng không có tiêu chuẩn kép đối với các công dân và công ty trên khắp các nước EU.
Trên hết, EU cần tăng cường hơn nữa Liên minh tiền tệ châu Âu, thúc đẩy vai trò quốc tế của đồng euro, và cùng đầu tư lớn vào các công nghệ chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số.
Quản lý toàn cầu hóa nghĩa là không ai bị bỏ lại phía sau mà không được tiếp cận các cơ hội kinh tế hay các dịch vụ công.
Ông Barnier cho rằng để đáp lại sức ép về tài chính và nhân khẩu học, EU cần cải thiện các chính sách xã hội và giáo dục. EU có thể bắt đầu bằng việc chỉ ra những kỹ năng và việc làm sẽ cần tới trong năm 2030, nhằm lường trước những thay đổi có thể xảy ra.
Tuy nhiên, EU cũng phải đảm bảo rằng các công ty đa quốc gia phải trả thuế đầy đủ, và rằng cạnh tranh trong kỷ nguyên công nghệ số là hoàn toàn công bằng.
Trọng tâm thứ ba là kiểm soát các đường biên giới của EU và đối phó với các thách thức về nhập cư. Các biện pháp đáp trả của EU không thể dựa trên sự sợ hãi và những chuyện hoang đường, và EU cũng không thể phớt lờ các cuộc tranh luận và bản sắc của các quốc gia thành viên.
Ông Barnier kêu gọi EU cần tập trung vào các cơ chế thực sự có hiệu quả.
Ngoài việc phải củng cố hệ thống quản lý biên giới Frontex, EU cũng phải cân đối các chính sách nhập cư và tị nan ở cấp quốc gia.
Châu Âu cần tăng cường các cơ chế đoàn kết và đền bù cho những quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nhiều hơn hoặc phải làm nhiều hơn các nước khác về vấn đề nhập cư. Và EU phải hợp tác với các đối tác bên ngoài EU, không chỉ bằng cách phát triển quan hệ đối tác toàn diện với châu Phi về phát triển kinh tế và quản lý người nhập cư.
Đến năm 2050, châu Phi sẽ là nhà của 2,5 tỷ người, một nửa trong số này đều dưới 25 tuổi.
Điều cuối cùng song không kém phần quan trọng là châu Âu không thể tiếp tục chi trả cho bên ngoài để đảm bảo an ninh cho khu vực nữa. Châu Âu chỉ đứng sau Mỹ về chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, đầu tư của EU trong lĩnh vực này bị dàn trải. Ví dụ, EU sản xuất tới 17 mẫu xe tăng, trong khi Mỹ chủ yếu chỉ dựa vào duy nhất một loại. Chi phí sao chép quân sự kiểu này khiến châu Âu tiêu tốn tới 20 tỷ euro (23 tỷ USD) một năm.
Điều may mắn là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, EU đã đạt được tiến triển trong việc tiến tới cùng nhau sản xuất các thiết bị và công nghệ thông qua Quỹ Quốc phòng châu Âu, chấm dứt sự cạnh tranh giữa EU và NATO, thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp quốc phòng của các nước thành viên.
Hiện nay, EU phải xây dựng củng cố các sáng kiến này và tiến xa hơn nữa, bằng cách tăng cường các công cụ quản lý khủng hoảng và phát triển một văn hóa chiến lược chung.
Để đối phó với các thách thức hiện nay, châu Âu sẽ cần sự can đảm chính trị ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ toàn liên minh.
Tuy nhiên, EU cũng cần phải minh bạch, tranh luận một cách nhạy bén, sự lãnh đạo hiệu quả và đáng tin cậy, và các cách thức mới để lôi kéo người dân cùng tham gia. Chỉ khi làm được như vậy, người dân mới thực sự tin tưởng rằng châu Âu sẽ là tương lai, và đây không còn là mong ước hão huyền nữa./.