Suy giảm kinh tế, Eurozone đối mặt nguy cơ suy thoái không tránh khỏi

Nguy cơ suy giảm hai con số trong khu vực Eurozone ngày càng khó tránh khỏi khi các biện pháp siết chặt nhằm chống dịch đang tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp trong tháng Một.
Đồng tiền euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức, ngày 27/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả thăm dò của công ty HS Markit công bố ngày 22/1 cho thấy tình trạng suy giảm kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2021 đã nghiêm trọng hơn, khiến nguy cơ suy thoái mới gần như chắc chắn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế khu vực.

Chris Williamson, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của IHS Markit, cho biết: "Nguy cơ suy giảm hai con số trong khu vực Eurozone ngày càng khó tránh khỏi khi các biện pháp siết chặt nhằm chống dịch đang tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp trong tháng Một."

[Chủ tịch ECB lạc quan về triển vọng phục hồi của Eurozone]

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) của IHS Markit đã giảm từ 49,1 điểm trong tháng 12/2020 xuống còn 47,5 điểm trong tháng 1/2021, thấp hơn nhiều mức 50 điểm để xác định một nền kinh tế tăng trưởng. Chỉ số PMI của IHS Markit được xem là một chỉ dẫn uy tín về "sức khỏe kinh tế."

Hoạt động sản xuất vẫn mạnh và chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất đạt 54,7 điểm, thấp hơn mức 55,2 điểm hồi tháng 12/2020. Con số này trong thăm dò của hãng tin Reuters là 54,4 điểm. Tuy nhiên, chỉ số việc làm giảm từ 49,2 điểm xuống còn 48,9 điểm.

Thăm dò cho thấy các địa điểm vui chơi giải trí và khách sạn, nhà nghỉ buộc phải đóng cửa trên khắp châu lục, khiến lĩnh vực dịch vụ suy giảm mạnh, tuy nhiên lĩnh vực sản xuất vẫn tốt vì đa phần các nhà máy duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, ông Williamson cho biết một điều đáng khích lệ là mức suy giảm không nghiêm trọng như trong làn sóng thứ nhất hồi mùa Xuân 2020, cho thấy khả năng chống chịu tương đối của lĩnh vực sản xuất, sự gia tăng của lượng cầu đối với hàng hóa xấu khẩu và các biện pháp phong tỏa đa bớt khắc nghiệt hơn năm ngoái.

Do hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục giảm và các biện pháp chống dịch dự kiến được duy trì một thời gian nữa, các công ty trong lĩnh vực dịch vụ buộc phải cắt lỗ.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm từ 48,6 điểm xuống 46,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thất vọng, phải giữ nguyên chính sách tiền tệ dù lạm phát thấp đã là một "cái gai" trong mắt ECB nhiều năm nay.

Chỉ số sản xuất tương lai giảm từ 64,5 điểm hồi tháng 12/2020 (gần cao nhất trong 3 năm) xuống còn 63,6 điểm.

Ông Williamson nhận định các chiến dịch tiêm vắcxin đại trà đã giúp duy trì lòng tin về triển vong kinh tế trong năm tới.

Kết quả thăm dò của hãng tin Reuters hồi đầu tuần cho thấy nền kinh tế của Eurozone dự báo tăng trưởng 0,6% trong quý 1/2021 và sẽ trở lại mức tăng trưởng trước dịch trong 2 năm tới với hy vọng việc tiêm vắcxin đại trà sẽ giúp các nước trong khu vực trở lại trạng thái bình thường mới./.       

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục