Suy dinh dưỡng đặc biệt cao trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số

Chỉ có 39% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-49 đã đi khám thai và được bổ sung các vitamin.
Phát quà cho trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tình trạng thiếu dinh dưỡng ở Việt Nam đặc biệt phổ biến trong nhóm trẻ em dân tộc thiểu số, với tỷ lệ thấp còi ở mức cao nhất thế giới.

Thông tin trên được Ngân hàng Thế giới và Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra trong báo cáo mới nhất có tên: “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong Cộng đồng Các dân tộc Thiểu Số tại Việt Nam: Vấn đề và các Giải pháp can thiệp” vừa được công bố chiều 10/12, tại Hà Nội.

[Bình Phước: Một trẻ sơ sinh bị bỏng nặng do sưởi ấm bằng than]

Báo cáo thống kê cho thấy trong 3 trẻ dân tộc thiểu số thì có 1 em thấp còi và trong 5 trẻ thì có 1 em nhẹ cân. Để giải quyết tình trạng này, báo cáo dẫn lời các chuyên gia WB khuyến nghị cần phải có những cách tiếp cận mới, được thiết kế riêng phù hợp với những yếu tố về địa lý và văn hóa đặc thù của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Mặc dù trong hai thập kỷ qua, trẻ em dân tộc thiểu số vẫn tụt lại phía sau và khoảng cách chênh lệch với trẻ em người Kinh ngày càng lớn.Trong giai đoạn tới, cần nỗ lực cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng với ưu tiên tập trung vào các tỉnh có tỷ lệ cao nhất nhằm tạo ra những thay đổi căn bản.”

Ông Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nếu trẻ không được cung cấp đủ dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ dẫn tới những tổn thương nghiêm trọng khó có thể khắc phục đối với sự phát triển thể chất và trí não.

Báo cáo nhấn mạnh các giải pháp can thiệp để cải thiện chất lượng dinh dưỡng cần tập trung vào trẻ em trong giai đoạn này và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Chỉ có 39% trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ; 32,7% phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15-49 đã đi khám thai và được bổ sung các vitamin và khoáng chất thiết yếu cũng như tư vấn về dinh dưỡng.

Theo báo cáo, các yếu tố văn hóa xã hội cũng góp phần dẫn đến tình trạng này. Kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên vẫn còn phổ biến ở phụ nữ dân tộc thiểu số; 23,9% phụ nữ bắt đầu sinh con trong độ tuổi từ 15 đến 19. Một nguyên nhân khác không là tâm lý e ngại của người dân tộc thiểu số trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng và khám chữa bệnh.

Báo cáo “Suy dinh dưỡng dai dẳng trong Cộng đồng Các dân tộc Thiểu Số tại Việt Nam: Vấn đề và các Giải pháp can thiệp”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em bắt nguồn từ nghèo đói. Theo thống kê năm 2016, các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam chiếm đến 73% số hộ nghèo dù chỉ chiếm 14% tổng dân số.

Báo cáo đề xuất một số giải pháp chính Việt Nam có thể thực hiện để cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số như xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn trong vấn đề dinh dưỡng với sự chỉ đạo của chính phủ và một cơ chế điều phối hiệu quả của các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, Việt Nam cần đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác dinh dưỡng, cần đảm bảo ngân sách đầy đủ cho các can thiệp đã được kiểm chứng về tính hiệu quả. Các tỉnh có tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng nhất cần được ưu tiên phân bổ và tiếp nhận ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng...

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần có giải pháp đa ngành để khắc phục các nguyên nhân suy dinh dưỡng, đưa mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia thành một ưu tiên và có phân bổ ngân sách phù hợp; tăng khả năng tiếp cận của các nhóm dân tộc thiểu số với gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện dành cho vị thành niên, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Các địa phương cần khuyến khích và áp dụng chính sách ưu đãi để trẻ em gái là người dân tộc thiểu số tham gia và hoàn thành chương trình bậc trung học phổ thông. Bên cạnh đó, mở rộng chương trình trợ cấp tài chính tập trung vào các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo nhất có phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển 1.000 ngày đầu đời.

Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu này thông qua Quỹ Ủy thác của Chính phủ Nhật Bản về đẩy mạnh dinh dưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục