'Super Mario' quyết đoán đã thay đổi Italy như thế nào?

“Tăng trưởng mạnh mẽ,” “thay đổi triệt để” nhờ vào “sự lãnh đạo tuyệt vời” của Mario Draghi. Đó là những nhận xét mà ngân hàng lớn của Mỹ JP Morgan đã đưa ra khi đánh giá về Italy.
'Super Mario' quyết đoán đã thay đổi Italy như thế nào? ảnh 1Thủ tướng Mario Draghi. (Nguồn: DPA)

Vực dậy ngân sách quốc gia, tiến hành hàng loạt chương trình cải tổ lớn, đưa Italy thành quốc gia được tôn trọng trên thế giới.

Với những thành quả đó, báo Pháp Le Figaro nhận định Thủ tướng Mario Draghi đã ghi đậm dấu ấn của mình chỉ sau một thời gian ngắn nắm quyền.

“Tăng trưởng mạnh mẽ,” “thay đổi triệt để” nhờ vào “sự lãnh đạo tuyệt vời” của Mario Draghi. Đó là những nhận xét mà ngân hàng lớn của Mỹ JP Morgan đã đưa ra khi đánh giá về Italy.

Nhiều ngân hàng lớn khác cũng có những nhận xét tương tự, thậm chí còn dự báo về “một thập kỷ vàng son” cho Italy.

Từ khi ông Mario Draghi được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng, tức thủ tướng, hồi tháng 2/2021, nhãn quan quốc tế về Italy đã thay đổi rõ rệt. Uy tín của nước này đã được khôi phục.

[Thủ tướng Italy: Thế giới đã có thể lạc quan hướng đến tương lai]

Được Tổng thống Sergio Mattarella lựa chọn để lãnh đạo cuộc chiến chống đại dịch và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế để Italy có thể nhận 191 tỷ euro hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU), vị thủ tướng 74 tuổi đã hoàn thành cả hai sứ mạng.

Hiện 81% người dân trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và Chứng nhận y tế đã được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, Italy trở thành một trong những quốc gia kiểm soát dịch tốt nhất châu Âu.

Đối với kế hoạch phục hồi kinh tế quy mô lớn, sứ mạng thứ hai mà Tổng thống Mattarella giao, một loạt chương trình cải tổ do EU yêu cầu đã được chấp nhận. Đến nay, Italy đã được châu Âu giải ngân 25 tỷ euro.

Thực tế vận may đã mỉm cười với cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu: sau khi tăng trưởng ở mức âm vào năm 2020, kinh tế Italy dự báo sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, khiến cho tất cả các định chế quốc tế lớn, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho đến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay các ngân hàng đa quốc gia của Anh-Mỹ, phải bất ngờ.

Đầu tư công và tư đều tăng ồ ạt, tiêu dùng nhảy vọt, xuất khẩu đạt kỷ lục ở nhiều ngành, tất cả các động lực của nền kinh tế đang chạy hết công suất.

Tốc độ tăng trưởng nhanh, chỉ có được ở thời hậu chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách kinh tế.

Trong bối cảnh đó, chính phủ có thêm 15 tỷ euro tiền thuế, cắt giảm thêm 20 tỷ euro chi tiêu công, Italy có thể theo đuổi chính sách tiền tệ mở rộng, tăng ngân sách thêm 23 tỷ euro cho năm 2022. Thâm hụt ngân sách giảm, nợ công và chi phí cho nợ công cũng giảm. Tất cả vốn liếng của Draghi đặt vào ván cược thoát khỏi sức ép nợ nhờ tăng trưởng bền vững bắt đầu thành hình.

Theo Fedele De Novellis, kinh tế gia trưởng của hãng tư vấn kinh tế-đầu tư REF (có trụ sở tại Milan), “hiện nay với tăng trưởng thực cao hơn lãi suất thực của trái phiếu, chính phủ có thể đạt được mục tiêu cắt giảm tỷ trọng của nợ công so với GDP.”

Ông cho rằng đây là cách tiếp cận rất mới cho Italy. Tuy vậy, mục tiêu của “Super Mario” đưa đất nước thoát khỏi 20 năm trì trệ trước hết là dựa trên chính sách thúc đẩy đầu tư công ồ ạt nhờ vào sự trợ giúp hào phòng của EU.

Hàng loạt cải tổ quan trọng

Để các khoản đầu tư tạo ra tăng trưởng bền vững, châu Âu yêu cầu phải cải tổ. Một số đã được thực hiện, chẳng hạn như liên quan việc quản lý các nguồn vốn đầu tư của EU hay đơn giản hóa thủ tục thực hiện các công trình lớn.

Một số khác mới được khởi động: tuyển dụng viên chức để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, cải tổ hệ thống tư pháp dân sự và hình sự. Italy mới đây đã công bố các nguyên tắc cải tổ quy mô lớn hệ thống tài chính dự kiến sẽ được tiến hành trong 18 tháng tới. Người ta cũng đang chờ đợi cải tổ các quy định về cạnh tranh.

Nếu như tất cả được thực hiện, Draghi sẽ được ghi công vì trên thực tế ông là nhạc trưởng giỏi chỉ huy một chính phủ liên minh rất đa dạng với sự tham gia của cả cánh tả và Liên đoàn phương Bắc thiên hữu, nhưng không bao giờ rời mắt khỏi bản nhạc của mình.

Không phải vì thế mà vở kịch sân khấu chính trị Italy đã hạ màn, nhưng Draghi không bao giờ chấp nhận bị đe dọa.

Ông thậm chí còn có khả năng dẫn dắt Matteo Salvini, lãnh đạo của Liên đoàn phương Bắc, qua các cuộc họp giao ban chính phủ hàng tuần. Thế nhưng cuối cùng, ông vẫn hành động theo niềm tin của mình, với một thái độ thực tế mà không chịu bất kỳ sức ép bầu cử nào đối với phe đa số.

Củng cố vai trò quốc tế

Với những việc đã làm, Draghi đã cố gắng không áp đặt bằng quyền lực, luôn biết cách xoa dịu căng thẳng, tạm hoãn một quyết định để có thời gian thuyết phục những người còn e ngại bằng cách đưa ra một số nhân nhượng nhỏ, khiến họ có thể tuyên bố đã giành chiến thắng. Phong cách của ông là cố gắng đi xa nhất có thể nhưng không gây ra nguy cơ phá vỡ sự gắn kết trong chính phủ.

Hiện tại, Draghi muốn kết liễu kế hoạch cải tổ chế độ hưu trí mang tên Quota 100 do Liên đoàn phương Bắc tiến hành từ năm 2019, theo đó nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 62 sau khi đóng bảo hiểm xã hội 38 năm. Đây không phải yêu cầu của EU, mà vì chương trình này quá tốn kém và không có hiệu quả tạo việc làm cho giới trẻ.

Draghi muốn cân bằng chi tiêu cho người cao tuổi với thanh niên, phụ nữ và hộ gia đình. Do đó, ông đề nghị tăng độ tuổi về hưu thêm 3-4 năm, theo hai giai đoạn.

Từ năm 2023 sẽ là 64 tuổi và từ năm 2024 là 65 hoặc 66 tuổi. Khi Liên đoàn phương Bắc và các công đoàn gọi đây là lời tuyên chiến, ông đã điều chỉnh một chút đối với các lao động nặng nhọc và những người có thâm niên làm việc quá lâu, nhưng quyết không từ bỏ.

Về mặt đối ngoại, uy tín của Draghi đã tăng lên nhờ phát huy vai trò trong EU ngay từ những ngày đầu tiên, trở thành một đầu tàu thúc đẩy sự thay đổi. Draghi đã tự coi mình là đại sứ của châu Âu trước người dân Italy.

“Chúng ta ở trong châu Âu, không phải chỉ vì nhu cầu mà còn vì thực tế và lý tưởng,” Draghi mới đây đã phát biểu như vậy trước cuộc họp của Hội đồng châu Âu về chính sách của Italy với EU.

Việc nước này nắm vai trò chủ tịch G20 - công việc mà Draghi đã đặt nhiều tâm huyết và kết thúc vài ngày tới với Hội nghị thượng đỉnh Rome - sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh của Italy trên thế giới, trong bối cảnh nước này rất nỗ lực bảo vệ chủ nghĩa đa phương. Đối với đa số người dân Italy, không thể coi nhẹ vai trò của “Super Mario.”

Câu hỏi trung tâm trong các cuộc trò chuyện ở nước này thời gian gần đây là: Draghi tiếp tục ở lại Điện Palazzo Chigi (trụ sở của chính phủ) hay chuyển sang Quirinal (Phủ Tổng thống) sẽ tốt hơn cho Italy sau tháng 2/2022 (thời điểm Tổng thống Sergio Mattarella, người đã bổ nhiệm ông Draghi, hết nhiệm kỳ)?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục