Có hay không Super Liga?

“Super Liga” của bầu Kiên: Không thể và có thể

Ý tưởng về giải đấu mang tên "Super Liga" của bầu Kiên, độc lập với giải đấu do Liên đoàn bóng đá Việt Nam tổ chức, liệu có khả thi?

Xét ở chừng mực nào đó, Hội nghị tổng kết V-League 2011 đã... thành công, bởi nó đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận, chứ không rơi tõm vào thinh không như những mùa giải trước đây.

Lý do chính xuất phát từ những lời phát biểu mạnh mẽ và trực diện của chủ tịch câu lạc bộ Hà Nội ACB, Nguyễn Đức Kiên, trong đó nổi bật là ý tưởng tổ chức một giải đấu li khai mang tên “Super Liga.”

Vấn đề là liệu ý tưởng đó có khả thi và nó sẽ tác động thế nào tới bóng đá Việt Nam?

Có thể

Theo ông Kiên thì ít nhất có 6 “ông bầu” hưởng ứng ý tưởng tổ chức giải đấu li khai mang tên “Super Liga” của ông. Công bằng mà nói, với vật lực cũng như uy tín của các ông bầu, việc tổ chức một giải đấu riêng là điều hoàn toàn khả thi, căn cứ vào những gì đã xảy ra với bóng đá Indonesia.

Cuối năm 2010, một nhóm câu lạc bộ Indonesia, dẫn đầu là doanh nhân Arifin Panigoro đã thành lập giải đấu mang tên Indonesian Premier League (IPL), hoàn toàn độc lập so với giải đấu do Liên đoàn bóng đá nước này (PSSI) tổ chức là Indonesian Super League (ISL).

IPL được thành lập trên tinh thần nâng cao chất lượng bóng đá Indonesia, đặc biệt là về tính tổ chức cũng như về công tác tài chính. Các câu lạc bộ lập ra một ban điều hành, thông qua những thỏa thuận chung về tiền tài trợ cho giải đấu, tiền bản quyền truyền hình, tiền bán vé... để rồi chia lại cho từng đội bóng Tất cả đều hoàn toàn độc lập và không chịu sự chi phối của PSSI.

Ban đầu, PSSI đã cấm các câu lạc bộ tham giải đấu này đại diện cho Indonesia dự các giải đấu quốc tế, còn các cầu thủ đầu quân cho các câu lạc bộ ấy không được khoác áo đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2011, IPL đã được Ủy ban Tiêu chuẩn hóa của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chính thức công nhận, đồng thời FIFA cũng yêu cầu PSSI phải cơ cấu lại sau khi phát hiện có những sai phạm về mặt tổ chức (để chính trị can thiệp vào bóng đá). Khi ấy, FIFA đã đe dọa sẽ loại Indonesia khỏi các giải đấu quốc tế, dẫn đến việc môn bóng đá nam suýt nữa không được tổ chức ở SEA Games 26.

Sau khi PSSI được cải tổ lại theo yêu cầu của FIFA (bầu chủ tịch mới, có quan hệ mật thiết với doanh nhân Arifin, vụ này có liên quan đến sự kiện sa thải huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Alfred Riedl) thì IPL cũng đã được Liên đoàn công nhận và ban lãnh đạo PSSI đang tính tới việc sáp nhập IPL với ISL trong tương lai.

Nhưng dù sáp nhập hay không thì điều đó cũng cho thấy việc tổ chức một giải đấu li khai với liên đoàn bóng đá là điều hoàn toàn khả thi. Thậm chí, giải đấu ấy còn có thể sống khỏe hơn cả giải đấu do liên đoàn bóng đá tổ chức (IPL còn gọi được nhiều tài trợ và nhiều tiền bản quyền truyền hình hơn ISL)!


Và không thể

Tuy vậy, cũng cần phải nói rằng, điều kiện ở Indonesia cũng có nhiều cái khác so với Việt Nam, nên cũng không thể nói rằng cứ bạn tổ chức được giải đấu li khai thì ta cũng tổ chức được giải đấu tương tự. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tuy cũng là tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhưng còn có nhiều đặc thù riêng, khác với các liên đoàn bóng đá ở các nước bạn.

Trả lời phóng viên VnExpress, ông Phạm Ngọc Viễn, phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nói rằng sự ra đời của Super Liga là điều không thể vì “phải có sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du Lịch, của Tổng cục TDTT và của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. VFF thay mặt nhà nước quản lý, điều hành các giải đấu, được Liên đoàn bóng đá thế giới công nhận. Super Liga hay bất kỳ giải đấu nào khác, đều không thể nằm ngoài hoạt động của VFF nếu xét theo luật FIFA và luật của VFF. Vì thế, không thể có Super Liga ở Việt Nam.”

Nghĩa là, nếu Super Liga ra đời mà không được sự cho phép của Bộ VH-TT-DL, của Tổng cục TDTT, của VFF thì các câu lạc bộ dự giải đấu này sẽ không được đại diện cho Việt Nam tham dự các giải đấu quốc tế, các cầu thủ dự giải này cũng sẽ không được gọi vào đội tuyển quốc gia.

[Phó Chủ tịch VFF phủ nhận trọng tài có vấn đề]

Nhưng đặt giả dụ, Super Liga cũng được FIFA công nhận giống như những gì xảy ra ở Indonesia thì đến lúc đó, chính VFF sẽ bị vô hiệu hóa.

Dĩ nhiên, chuyện này không thể xảy ra ở Việt Nam, vì rất nhiều lý do. Song, tuyên bố của bầu Kiên cũng đã cho thấy VFF cần phải cải tổ, mà trước hết ở vấn đề thành lập ban tổ chức V-League.

Tại tất cả các nền bóng đá phát triển, ban tổ chức giải chuyên nghiệp đều độc lập tương đối so với Liên đoàn bóng đá. Chẳng hạn như ở Anh, Ban tổ chức Premier League và Liên đoàn bóng đá nước này (FA) là hoàn toàn tách riêng, mà Ban tổ chức Premier League có thể coi như một tổng công ty mà các câu lạc bộ là cổ đông. FA chỉ hỗ trợ ban tổ chức Premier League về mặt pháp lý, cấp giấy phép chuyển nhượng, quản lý ủy ban kỷ luật, hội đồng trọng tài... Còn chuyện kêu gọi tài trợ, ký hợp đồng truyền hình là do Ban tổ chức Premier League thực hiện.

Nói tóm lại, điều tách biệt lớn nhất giữa ban tổ chức giải chuyên nghiệp và Liên đoàn bóng đá ở hầu hết các quốc gia chính là “quyền lợi thương mại.” Nhưng ở Việt Nam, người ta có thể đặt câu hỏi, nếu bị tách rời khỏi “quyền lợi thương mại” thì VFF còn được cái gì?

Vấn đề chính là ở chỗ đấy./.

 
Lâm Huy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục