Super League - 'Gáo nước lạnh' dành cho các đội bóng nhỏ

Không chỉ mất đi một nguồn doanh thu khổng lồ, một giải đấu như Super League còn làm mất đi cơ hội thử sức của các đội bóng nhỏ luôn muốn tranh tài với các đối thủ sừng sỏ tại Champions League.
Nhóm Big 6 của Anh đều muốn tham gia Super League. (Ảnh: Eurosport)

12 đội bóng hàng đầu châu Âu mới đây vừa công bố ý định "ly khai" khỏi hệ thống bóng đá hiện nay, với việc thành lập một giải đấu mang tên Super League, quy tụ 20 đội bóng hàng đầu châu lục. Theo đó, các đội bóng hàng đầu sẽ thi đấu với nhau trong một giải đấu diễn ra song song với các giải quốc nội và cạnh tranh trực tiếp với Champions League.

Ngay lập tức, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA), Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cùng ban tổ chức các giải đấu quốc nội của Anh (Premier League), Italy (Serie A) hay Tây Ban Nha (La Liga) đều đã lên tiếng phản đối kế hoạch nói trên. 

Việc tuyên bố thành lập Super League diễn ra ngay sau khi UEFA công bố thể thức thi đấu mới của Champions League. Theo thể thức mới được gọi là "Mô hình Thụy Sĩ" này, Champions League sẽ có 36 đội thay vì 32 đội như hiện nay. Mỗi đội bóng sẽ phải thi đấu thêm 4 trận trong vòng bảng, đẩy số trận đấu trong toàn bộ giải đấu từ 125 lên 225 trận.

Việc số trận đấu tăng vọt sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với ban tổ chức các giải đấu quốc nội trong việc xếp lịch thi đấu. Trong khi đó, theo các nguồn tin, số trận đấu tăng lên nhưng tỷ lệ ăn chia lợi nhuận lại không tỷ lệ thuận với điều này. Đây được cho là một trong số những lý do khiên các đội bóng hàng đầu châu Âu quyết định "ly khai" khỏi Champions League.

Theo giới chuyên gia, một giải đấu "toàn sao" như Super League nếu được tổ chức sẽ tạo ra những tác động khủng khiếp đối với bóng đá châu Âu nói riêng cũng như bóng đá thế giới nói chung. Lợi ích kinh tế là thứ đầu tiên có thể nhận thấy, khi mà các đội bóng sáng lập Super League đang là nguồn thu khổng lồ cho Champions League cũng như các giải đấu quốc nội.

[Các 'đại gia' châu Âu muốn lập giải đấu cạnh tranh với cúp C1]

Nếu mất đi những đội bóng này, chắc chắn Champions League sẽ mất đi sự hấp dẫn, cùng với đó là những khoản thu khổng lồ từ tiền bán vé cũng như bản quyền truyền hình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến những đội bóng "chiếu dưới" tham gia giải.

Thông thường, các đội bóng này không có những hợp đồng tài trợ, quảng cáo kếch xù như các đội "chiếu trên" và thường phụ thuộc rất nhiều vào các khoản thu từ vé xem trận đấu và tiền bản quyền truyền hình.

Đại dịch COVID-19 đã lấy đi rất nhiều khoản thu của những đội bóng này khi bóng đá châu Âu đã phải diễn ra trong vài tháng qua trong tình trạng không có khán giả.

Bên cạnh đó, UEFA dọa sẽ đưa ra những án phạt đối với các đội bóng tham gia Super League, trong đó bao gồm khả năng cấm thi đấu. Nếu điều này xảy ra thì không chỉ có các đội bóng tham dự cúp châu Âu mà ngay cả các đội bóng tham gia những giải đấu quốc nội cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc cắt giảm nguồn thu.

Tuy nhiên, không chỉ có nguồn thu mà Champions League còn là nơi các câu lạc bộ nhỏ hơn có cơ hội được thử sức với những đội bóng hàng đầu châu lục. Dù các đội bóng hàng đầu luôn thống trị cúp C1 trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng đây cũng là nơi giúp cho những đội bóng nhỏ nuôi dưỡng ước mơ làm nên điều kỳ diệu.

Cúp C1 là nơi người đam mê bóng đá có thể chứng kiến những đội bóng lớn như Juventus hay Manchester City "ngã ngựa" trước các đội bóng nhỏ hơn như Lyon hay Monaco, hoặc thậm chí là những điều kỳ diệu như việc Jose Mourinho đưa Porto đến chức vô địch vào năm 2004.

Có thể thấy một giải đấu "ly khai" như Super League sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không nhỏ tới các đội bóng nhỏ hơn, tạo ra sự mất cân bằng đối với nền bóng đá châu Âu hiện nay. Do đó, không quá ngạc nhiên khi không chỉ UEFA hay FIFA mà hàng loạt đội bóng nhỏ hơn và người hâm mộ của họ cũng kịch liệt phản đối kế hoạch tổ chức Super League.

Cho đến nay, đã có 12 đội công bố ý định thành lập Super League gồm 3 đội bóng hàng đầu Tây Ban Nha (Atletico Madrid, Real Madrid và Barcelona), 3 đội hàng đầu Italy (Juventus, AC Milan và Inter Milan) cùng nhóm Big 6 tại Ngoại hạng Anh (Manchester City, Manchester United, Tottenham Hotspur, Arsenal, Liverpool, Chelsea). Trong khi đó, quán quân và á quân Champions League năm ngoái là Bayern Munich (Đức) và Paris Saint-Germain (Pháp) đã lên tiếng phản đối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục