Sudan: TMC yêu cầu phe đối lập chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình

Theo Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Liên minh Tự do và Thay đổi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vi phạm và thiệt hại do biểu tình gây nên.
Hàng chục nghìn người Sudan tham gia biểu tình tại thủ đô Khartoum đòi trao quyền cho chính quyền dân sự ngày 30/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng chục nghìn người Sudan tham gia biểu tình tại thủ đô Khartoum đòi trao quyền cho chính quyền dân sự ngày 30/6/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 1/7, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC) đã yêu cầu Liên minh Tự do và Thay đổi đối lập phải chịu trách nhiệm cho những “vi phạm và thiệt hại” trong cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra trước đó một ngày.

TMC cáo buộc liên minh đối lập vi phạm những gì đã cam kết và kích động những người biểu tình tiến đến Dinh Tổng thống và trụ sở Bộ Quốc phòng, khiến cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình.

Theo TMC, Liên minh Tự do và Thay đổi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vi phạm và thiệt hại do biểu tình gây nên.

Ngày 30/6 vừa qua, hàng chục nghìn người Sudan đã xuống đường tại thủ đô Khartoum để yêu cầu TMC trao lại quyền lực cho người dân.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chính quyền quân sự giải tán khu trại của người biểu tình cách đây 3 tuần. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình đang tiến về Dinh Tổng thống và người biểu tình ở các quận của thủ đô Khartoum như Bari, Mamoura, Arkaweit.

[Sudan: Biểu tình rầm rộ đòi trao quyền cho chính quyền dân sự]

Thứ trưởng Bộ Y tế Sudan Suleiman Abdel-Jabar xác nhận 7 người đã thiệt mạng và 181 người bị thương trong các vụ đụng độ. Phía cảnh sát có 10 người bị thương.

Căng thẳng giữa phong trào phản kháng và quân đội vẫn chưa có dấu hiệu xoa dịu sau cuộc trấn áp của lực lượng chức năng nhằm vào người biểu tình ngày 3/6.

TMC đã nắm giữ quyền lãnh đạo nước này kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất sau 30 năm cầm quyền.

Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình yêu cầu hội đồng này chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Ethiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hội đồng quân sự và phong trào ủng hộ dân chủ đòi thành lập chính quyền dân sự ở Sudan.

Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở thủ đô Khartoum.

Theo những người tổ chức biểu tình, các cuộc trấn áp đã khiến ít nhất 130 người thiệt mạng tại nhiều khu vực của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục