Sudan thực hiện thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt nhằm cải cách kinh tế

Thủ tướng Mousa cho biết kế hoạch cải cách của ông nhằm "giảm lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Pound, đạt tăng trưởng kinh tế 4% và giải quyết khủng hoảng tiền mặt."
Sudan thực hiện thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt nhằm cải cách kinh tế ảnh 1Các thành viên nội các mới của Sudan tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Khartoum ngày 15/9. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Sudan Moutaz Mousa  ngày 24/10 thông báo với quốc hội một kế hoạch cải cách kinh tế khẩn cấp trong 15 tháng, bao gồm "các biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt hơn" bắt đầu ngay từ tháng này.

Thủ tướng Moussa cho biết kế hoạch cải cách của ông nhằm "giảm lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Pound, đạt tăng trưởng kinh tế 4% và giải quyết khủng hoảng tiền mặt."

Các biện pháp bao gồm mạnh tay hủy bỏ mọi hình thức miễn thuế, trừ các nguyên liệu cần cho sản xuất, cắt giảm một số xe vốn được cung cấp cho quan chức, không chi trả tiền ăn trong các cuộc họp của chính phủ, và cấm sử dụng đồ nội thất nhập khẩu trong các văn phòng chính phủ... Ông Moussa cũng đề cập tới các kế hoạch nhằm thiết lập một cơ chế mua bán vàng và tiền tệ.

Thủ tướng Moussa nhấn mạnh: "Một trong các thách thức lớn nhất của chúng ta mà ngân sách năm 2019 phải đối mặt là việc Sudan vẫn nằm trong danh sách các nhà nước tài trợ cho khủng bố."

[Sudan: Nội các mới nhậm chức, Thủ tướng kiêm chức Bộ trưởng tài chính]

Nền kinh tế của Sudan đang gặp khó khăn kể từ khi Nam Sudan tách ra độc lập vào năm 2011, mang theo 3/4 thu nhập từ dầu mỏ và khiến Khartoum mất đi một nguồn cung ngoại tệ quan trọng. Lạm phát hiện hơn 60%, nằm trong những mức cao nhất thế giới. Đồng nội tệ của nước này hiện chỉ mua được một nửa số USD so với cách đây một năm ở "chợ đen" - nơi đã thay thế hiệu quả hệ thống ngân hàng chính thức.

Tháng Chín vừa qua, 11 tháng sau khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt thương mại kéo dài 20 năm, Tổng thống Bashir giải tán chính phủ, và cắt giảm 1/3 số bộ. Việc chấm dứt cấm vận đến nay vẫn không giúp tạo ra một cú hích cho đầu tư nước ngoài vào Sudan.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng này là vì Washington vẫn tiếp tục coi Sudan là một "nhà nước bảo trợ khủng bố"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục