Ngày 25/12, cảnh sát chống bạo động Sudan đã được triển khai dày đặc trên khắp thủ đô Khartoum, trong bối cảnh những người biểu tình nhiều khả năng sẽ tuần hành tới Phủ Tổng thống nước này nhằm phản đối tình trạng giá cả sinh hoạt leo thang và khan hiếm tiền mặt.
Theo hãng tin AFP, lực lượng cảnh sát cùng nhiều xe chuyên dụng đã triển khai tại Khartoum. Trong những ngày qua, nhiều khu vực của Sudan, trong đó có cả thủ đô Khartoum, đã chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối tình trạng kinh tế yếu kém và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Trước đó, Chính phủ Sudan đã quyết định tăng giá bánh mì, từ 1 pound Sudan lên 3 pound Sudan (tương đương 2-6 xu Mỹ), làm dấy lên sự bất bình trong dân chúng và bùng phát các cuộc biểu tình trên khắp cả nước kể từ ngày 19/12.
Các cuộc biểu tình nổ ra trước tiên ở thành phố miền Đông Atbara trước khi lan sang thành phố Al-Qadarif, thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác. Nhà chức trách cho hay có 8 người biểu tình đã thiệt mạng.
[Sudan ban bố tình trạng khẩn cấp tại thành phố Atbara]
Trong phản ứng đầu tiên trước làn sóng biểu tình, Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ngày 24/12 đã cam kết sẽ tiến hành "những cải cách thực sự" để đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho người dân. Phát biểu trong một cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan an ninh và tình báo Sudan, vị tổng thống 74 tuổi này cũng kêu gọi người dân Sudan không nên tin lời những thủ lĩnh phong trào biểu tình.
Trong khi đó, Mỹ, Anh, Na Uy và Canada đã bày tỏ quan ngại về tình hình Sudan, đồng thời kêu gọi các bên tại Sudan tránh tình trạng bạo lực hoặc phá hoại tài sản.
Sau khi Nam Sudan tách ra độc lập từ năm 2011, Sudan lâm vào khủng hoảng kinh tế khi mất tới 75% nguồn doanh thu từ dầu mỏ. Trong tháng 10 vừa qua, Sudan đã phá giá mạnh đồng nội tệ của nước này từ 29 bảng Sudan đổi 1 USD còn 47,5 bảng Sudan đổi 1 USD. Động thái này khiến giá cả tăng mạnh và đổ vỡ tín dụng, đồng thời khoảng cách tỷ giá đồng nội tệ giữa thị trường chính thức và thị trường “chợ đen” tiếp tục nới rộng. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nhiên liệu, bánh mì khiến giá cả các mặt hàng này tăng vọt, dẫn tới lạm phát leo thang ở Sudan./.