Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 tháng bắt đầu từ ngày 18/6 tại hai bang Blue Nile và Nam Kordofan, nơi các cuộc giao tranh gần đây giữa quân đội và phiến quân Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan miền Bắc (SPLM-N) gây thương vong lớn.
Người phát ngôn quân đội Sudan, Chuẩn Tướng Ahmed Khalifa al-Shami, cho biết hành động thiện chí này của chính phủ nhằm tạo cơ hội cho các nhóm vũ trang tham gia tiến trình hòa bình và giao nộp vũ khí.
Theo hãng thông tấn SUNA của Sudan, Tổng thống al-Bashir đã kêu gọi các lực lượng chính trị và các phong trào vũ trang tham gia đối thoại dân tộc trước khi triệu tập họp đại hội đồng đối thoại dân tộc lần thứ 6 vào tháng Tám.
Trước đó, Ủy ban Điều phối cấp cao Sudan về đối thoại dân tộc (cơ chế 7+7) đã ấn định ngày 6/8 tiến hành cuộc họp trên nhằm thông qua những khuyến cáo cuối cùng cho cuộc đối thoại.
Thỏa thuận ngừng bắn trên đạt được trước thời điểm bắt đầu mùa mưa, vốn thường gây lụt lội, ngăn cản giao thông trong khu vực.
Trước đó, Tổng thống al-Bashir đã thông báo một thỏa thuận ngừng bắn tương tự ở Nam Kordofan, Blue Nile và khu vực Tây Darfur - trung tâm làn sóng nổi dậy đòi ly khai - từ cuối năm 2015 và gia hạn thỏa thuận này thêm một tháng hồi đầu năm nay.
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh mới ở Blue Nile và Nam Kordofan đã bùng phát sau khi thỏa thuận trên hết hiệu lực.
Chuẩn Tướng Shami cho biết thỏa thuận ngừng bắn vừa mới nhất không áp dụng cho khu vực Darfur vì "hiện không có phiến quân thực sự" mà chỉ có một số nhóm nhỏ đang tìm cách gây rối an ninh tại Darfur.
Ông khẳng định: "Các lực lượng vũ trang Sudan đã chấm dứt tình trạng nổi dậy tại Darfur."
Kể từ năm 2003, quân đội Sudan đã chiến đấu chống lại các nhóm vũ trang nổi dậy tại khu vực Darfur, trong khi khu vực Nam Kordofan và Blue Nile chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang thường xuyên xảy ra giữa quân đội Sudan và SPLM-N kể từ năm 2011.
Đến nay, 10 vòng đàm phán hoà bình giữa Chính phủ Sudan và SPLM-N tại Addis Abeba (Ethiopia) vẫn chưa mang lại kết quả chấm dứt xung đột tại hai khu vực trên.
Tương tự, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Sudan và các phòng trào vũ trang tại Darfur đến nay cũng chưa đạt được thoả thuận chấm dứt thù địch.
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hơn 2,5 triệu người Sudan đã phải rời bỏ nhà cửa trong khi khoảng 300.000 người thiệt mạng trong các vụ giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy kể từ năm 2003./.