Sudan sẽ khó hoàn tất thỏa thuận hòa bình trong năm nay

Phát biểu trước báo giới tại Khartoum, Phó chỉ huy nhóm SPLM-N Arman nhấn mạnh cần gia hạn thêm 3 tháng, cụ thể đến ngày 8/3/2020, để hoàn tất thỏa thuận hòa bình mang tên Tuyên bố Juba.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tuần tra tại thị trấn Abyei của Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/12, ông Yasser Arman, Phó chỉ huy nhóm phiến quân chủ chốt Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan - chi nhánh phía Bắc (SPLM-N), kêu gọi gia hạn thêm 3 tháng để hoàn tất thỏa thuận hòa bình với Chính phủ chuyển tiếp Sudan.

Đồng thời, ông cũng hối thúc Washington loại bỏ Sudan khỏi danh sách đen "các quốc gia ủng hộ khủng bố."

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, các cuộc thảo luận giữa Chính phủ chuyển tiếp Sudan các nhóm phiến quân diễn ra từ giữa tháng 10 vừa qua tại thủ đô Juba của Nam Sudan nhằm tiến tới ký kết thỏa thuận hòa bình.

Đây là các nhóm từng chiến đấu chống lực lượng của Tổng thống bị lật đổ Omar al-Bashir ở các bang Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan.

Vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra ngày 10/12 vừa qua và một thỏa thuận hòa bình sẽ được ký kết vào ngày 14/12 tới.

Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới tại Khartoum, Phó chỉ huy nhóm SPLM-N Arman nhấn mạnh cần gia hạn thêm 3 tháng, cụ thể đến ngày 8/3/2020, để hoàn tất thỏa thuận hòa bình mang tên Tuyên bố Juba.

Tuy không nêu lý do đưa ra đề xuất nói trên, song ông Arman xác nhận thêm vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức tại Juba đã hoàn tất một số nội dung đàm phán còn dang dở trong suốt 8 năm qua.

Ông cũng nhấn mạnh các bên liên quan ủng hộ hòa bình và không mong muốn đất nước Sudan sụp đổ. Tình hình hiện nay tại đây tương đối bấp bênh, do đó cần có hành động chung của tất cả các bên.

[Sudan: Chính phủ và phe đối lập ký tuyên bố hòa bình lịch sử] 

Ngày 21/10 vừa qua, tại thủ đô Juba của Nam Sudan, Chính phủ Sudan và Mặt trận cách mạng Sudan đối lập đã ký kết tuyên bố hòa bình gồm 8 điểm trước thềm các cuộc đàm phán chính trị.

Dựa trên cơ sở Tuyên bố về mặt nguyên tắc được ký kết hôm 11/9 vừa qua tại Juba, các bên nhất trí tiếp tục ngừng chiến vì mục đích nhân đạo, đàm phán sẽ bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng, cũng như các khu vực xung đột.

Chính phủ Sudan cam kết cung cấp các hỗ trợ nhân đạo bên trong và ngoài Sudan.

Trong những năm qua, xung đột giữa Khartoum với các nhóm phiến quân tại Darfur, Nam Kordofan và Blue Nile đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Thủ tướng Abdalla Hamdok đã được giao nhiệm vụ lãnh đạo Sudan trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chấm dứt xung đột với các nhóm phiến quân được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính phủ ông Hamdok trong giai đoạn này và là một trong những điều kiện tiên quyết để Mỹ xem xét đưa Sudan ra khỏi danh sách các nhà tài trợ cho khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục