Sudan kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình chuyển tiếp dân chủ

Bộ Ngoại giao Sudan bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế nắm rõ tình hình và hỗ trợ hội đồng quân sự nhằm đạt được mục tiêu chuyển tiếp dân chủ của Sudan.
Binh sỹ Sudan gác gần trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Khartoum khi đông đảo người dân biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir, ngày 11/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Sudan hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ các nhà lãnh đạo quân sự mới ở nước này để giúp hỗ trợ tiến trình "chuyển tiếp dân chủ."

Trong một tuyên bố ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Sudan bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế nắm rõ tình hình và hỗ trợ hội đồng quân sự nhằm đạt được mục tiêu chuyển tiếp dân chủ của Sudan.

Tuyên bố nhấn mạnh các bước đi của quân đội ngày 11/4 vừa qua là đứng về phía người dân và vì tự do, hòa bình và công lý.

Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Tướng Abdel-Fattah Al-Burhan, đã cam kết về một chính phủ dân sự hoàn toàn, và vai trò của hội đồng quân sự sẽ là bảo vệ lãnh thổ của đất nước.

Tướng Burhan cũng cam kết thực hiện một hệ thống tư pháp độc lập, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các đảng phái chính trị và tổ chức xã hội dân sự ở nước này phát triển nhằm đạt được một tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Cùng ngày, Chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), một bộ phận của quân đội Sudan, đã có cuộc gặp với đặc phái viên hàng đầu của Mỹ tại Sudan, Steven Koutsis, thảo luận vấn đề an ninh sau khi Tổng thống Sudan Omar al-Bashir bị lật đổ.

[Sudan: Nhiều tiếng súng nổ bên ngoài trụ sở Bộ quốc phòng]

Hãng thông tấn của Sudan SUNA đưa tin, trong cuộc gặp tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Khartoum, Chỉ huy RSF, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan, Mohammad Hamdan Daglo đã thông báo cho quan chức Washington về tình hình hiện nay ở Sudan và lý do thành lập một hội đồng quân sự.

Ngoài ra, ông Daglo cũng đề cập các biện pháp mà hội đồng quân sự tiến hành nhằm bảo đảm an ninh và sự ổn định của đất nước.

Sudan hiện nằm trong danh sách các nước hậu thuẫn khủng bố của Mỹ. Năm 1997, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Khartoum với cáo buộc nước này có liên hệ với các phần tử Hồi giáo, nhưng đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này vào tháng 10/2017.

Cùng ngày, nhóm biểu tình chủ lực tại Sudan cho biết, trong cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo quân đội mới của Sudan vào tối 13/4, đại diện những người tổ chức biểu tình đã đưa ra các yêu sách, trong đó có việc thành lập một chính phủ dân sự.

Hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum qua đêm nhằm duy trì sức ép đối với hội đồng quân sự, lực lượng nắm quyền sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất hôm 11/4.

Theo thông báo của nhóm dẫn đầu biểu tình mang tên Liên minh Vì tự do và thay đổi, một phái đoàn gồm 10 thành viên đại diện cho những người biểu tình đã đàm phán với hội đồng quân sự và đưa ra những yêu sách của họ vào tối 13/4.

Một trong các thủ lĩnh của nhóm Omar al-Degier cho biết các yêu sách bao gồm việc tái cơ cấu Cơ quan Tình báo và an ninh quốc gia (NISS) khi mà lãnh đạo cơ quan này Salih Ghosh đã từ chức sau khi Tổng thống al-Bashir bị phế truất.

Liên minh Vì tự do và thay đổi cũng khẳng định các đại diện dân sự cần có chân trong hội đồng quân sự và một chính phủ dân sự hoàn toàn cần được thành lập để thực hiện công tác quản lý.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã lập Hội đồng Quân sự chuyển tiếp nhằm điều hành đất nước trong thời gian 2 năm. Hội đồng chuyển tiếp cũng đã cam kết thành lập một chính phủ dân sự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục