Sudan, Ai Cập và Ethiopia đã nhất trí nối lại đàm phán về đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile vào ngày 18/8.
Ngoại trưởng ba nước trên đạt được sự đồng thuận này trong cuộc họp trực tuyến ngày 16/8 do Nam Phi, chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), tổ chức.
Trong một tuyên bố, Bộ Thủy lợi Sudan nêu rõ: "Sau các cuộc thảo luận kéo dài, những người tham gia cuộc họp đã quyết định nối lại đàm phán vào ngày 18/8... để nỗ lực thống nhất văn bản các thỏa thuận được ba nước đệ trình."
Trong tuyên bố, Sudan nhắc lại cam kết trở lại bàn đàm phán với tinh thần đoàn kết châu Phi và trên cơ sở chương trình nghị sự đã được nhất trí trước đây cũng như các nguyên tắc luật của quốc tế liên quan việc sử dụng công bằng nguồn nước mà không gây tổn hại các nước khác.
Sudan cũng nhấn mạnh rằng việc đạt được một thỏa thuận toàn diện về tích trữ nước và vận hành đập Đại Phục Hưng và các dự án trong tương lai sẽ là một minh chứng về thúc đẩy hợp tác trong khu vực, là sự khẳng định nguyên tắc tìm kiếm giải pháp châu Phi cho các vấn đề của khu vực này.
[Ai Cập và Sudan thảo luận về vấn đề đập thủy điện Đại Phục Hưng]
Trước đó, ngày 15/8, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và người đồng cấp Ai Cập Mostafa Mabdouly trong cuộc gặp ở Khartoum đã bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận sau nhiều vòng đàm phán không đạt được đột phá về cách thức quản lý và vận hành đập.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh "điều quan trọng là đạt được một thỏa thuận đảm bảo các quyền và lợi ích của cả ba nước," đồng thời nêu rõ một cơ chế giải quyết những tranh cãi (trong tương lai) phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận nào giữa ba nước.
Là dự án thủy điện lớn nhất châu Phi, đập Đại Phục Hưng được khởi công xây dựng từ năm 2011 tại Ethiopia trên sông Nile Xanh (một trong hai phụ lưu chính của sông Nile). Bất đồng về việc vận hành đập thủy điện này là nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa Ethiopia, Ai Cập và Sudan.
Là hai nước ở hạ nguồn, Ai Cập và Sudan lo ngại công trình thủy điện này đe dọa nguồn nước sông Nile, trong khi hơn 90% dân số hai nước này phụ thuộc vào nguồn nước này.
Tuy nhiên, phía Addis Ababa phủ nhận đập thủy điện này sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước sông Nile của hai nước trên, đồng thời khẳng định dự án mà nước này đang theo đuổi rất quan trọng đối với phát triển kinh tế.
Với mức đầu tư 4,8 tỷ USD, đập thủy điện Đại Phục Hưng dự kiến sẽ sản xuất hơn 6.000 MW điện, đưa Ethiopia tiến tới mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Phi.
Mặc dù Ai Cập và Sudan đã kêu gọi một quá trình giải quyết ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng tại nhiều vòng đàm phán do AU làm trung gian, Ethiopia đều phản đối điều này./.