Về với Nghi Sơn hôm nay, ai cũng nhận rõ sự đổi thay từng ngày trên mảnh đất nghèo xưa kia. Những đồng muối mang đậm vị mặn mòi của biển giờ đã dần nhường chỗ cho những nhà máy, công trình mang tầm quốc gia, quốc tế.
Trong tương lai không xa, khu kinh tế Nghi Sơn sẽ trở thành khu đô thị công nghiệp không những của Thanh Hóa mà còn là trọng điểm phát triển của vùng. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực về mọi mặt để mục tiêu đó sớm thành hiện thực.
Sức sống mới ở vùng quê nghèo
Giờ đây đi dọc Quốc lộ 1A, đoạn thuộc xã Nguyên Bình, Tĩnh Gia nhìn những dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau, các cơ sở hạ tầng công cộng đang được hoàn thiện, ít ai nghĩ rằng đây là khu tái định cư của khu kinh tế.
Mặc dù đây là năm đầu tiên được đón Tết trên mảnh đất mới, có nhà đã hoàn thiện, có nhà vẫn đang trong quá trình xây nhưng không khí chuẩn bị Tết của bà con ở khu tái định cư Nguyên Bình vẫn tươi vui, tấp nập.
Trong ngôi nhà khang trang vừa mới hoàn thiện ở khu tái định cư Nguyên Bình, dù đang bận rộn với bánh trái, dưa hành chuẩn bị cho cả nhà ăn Tết, bà Nguyễn Thị Trường vẫn hồ hởi: “Lên trên này bước đầu còn khó khăn trong việc bắt nhịp với cuộc sống mới, nhưng bà con chúng tôi ai ai cũng vui, cũng cố gắng vì mình cũng có đóng góp nho nhỏ cho sự phát triển chung của quê hương. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là sau này, lớp con cháu chúng tôi được vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, rồi cũng đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho quê nhà. Chúng tôi còn biết rằng vài năm nữa thôi, chỗ chúng tôi ở sẽ trở thành phố, thành phường...”
Niềm vui của bà Trường cũng như các hộ dân nơi đây - những người đã nhường lại quê hương, bản quán của mình để xây dựng những công trình cho đất nước - là có cơ sở, bởi chính quyền địa phương đã phối hợp với các nhà đầu tư đã khẩn trương xây dựng hệ thống hạ tầng của 5 khu tái định cư để bà con yên tâm chuyển về nơi ở mới. Hiện tại các khu tái định cư đã đón được trên 1.000 hộ dân.
Cùng với việc lo an cư cho dân, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại cho Kkhu kinh tế Nghi Sơn. Đến nay, bằng nhiều nguồn vốn Khu kinh tế Nghi Sơn đã được đầu tư trên 1.300 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Trước mắt, bến cảng số 1+2, đường ống cấp nước thô, đường Đông-Tây 2, khu xử lý rác thải, hệ thống đê chắn sóng Nghi Sơn, đường 513 nối Nghi Sơn với Bãi Trành-ngược miền Tây tỉnh Thanh Hóa... đã và đang được hoàn thành để phục vụ cho khu kinh tế.
Giờ đây, Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn mang tầm quốc gia, khu vực. Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự kiến năm 2014 sẽ cho sản phẩm. Khi đó, cùng với lọc dầu Dung Quất, lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng xăng, dầu của Việt Nam với các sản phẩm chính là xăng A92, A95, A98, dầu hỏa, diezel, nhiên liệu phản lực...
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 690 triệu USD, công suất đạt 1.800 MW, đã khởi công xây dựng từ tháng 7/2010. Nhà máy ximăng Công Thanh, 456,8 triệu USD. Nhà máy luyện cán thép, 129 triệu USD, công suất 750.000 tấn phôi thép và 500.000 tấn thép cán/năm. Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển Nghi Sơn-Thanh Hóa, 47 triệu USD, có thể đón mới tàu trọng tải 50.000 DWT và sửa chữa tàu đến 100.000 DWT. Nhà máy cấp nước sạch có vốn đầu tư 44,8 triệu USD, công suất 90.000 m3/ngày đêm...
Xen kẽ những công trình đang triển khai xây dựng ở Khu kinh tế Nghi Sơn hôm nay đã có nhiều dự án đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đó là hai nhà máy ximăng Nghi Sơn và Công Thanh với tổng công suất trên 9 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu ximăng của khu vực phía Bắc.
Nhà máy ống cốt sợi thủy tinh, nhà máy bia Thanh Hóa... Giá trị sản xuất công nghiệp của khu kinh tế Nghi Sơn từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đạt trên 10.000 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của tỉnh; đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Nghi Sơn hướng tới khu đô thị công nghiệp
Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Bùi Huy Hùng cho biết: "Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 41 dự án đầu tư; trong đó có 35 dự án đầu tư trong nước với tổng nguồn vốn gần 50.000 tỷ đồng và 6 dự án FDI có tổng trị giá gần 6,9 tỷ USD. Điểm nhấn của Nghi Sơn chính là tập hợp những dự án mang tầm quốc gia và khu vực. Quan trọng hơn, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn được Thanh Hóa chọn là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh và trọng điểm phát triển của vùng."
Trong tương lai gần, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ mở rộng quy hoạch ra toàn bộ địa bàn huyện Tĩnh Gia và tiến tới 2015 sẽ trở thành đô thị công nghiệp loại 3. Để đón đầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã nghiên cứu, công bố quy hoạch chi tiết 23 khu chức năng theo hướng đồng bộ, hợp lý. Đó là Cụm cảng Nghi Sơn, các Khu công nghiệp, 5 Khu tái định cư, Khu phi thuế quan, Khu du lịch sinh thái đảo Biện Sơn, Khu trung tâm dịch vụ công cộng, Khu đô thị trung tâm...
Một lợi thế của Nghi Sơn là cảng biển nước sâu được quy hoạch gồm 40 bến cho tầu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 50.000 tấn. Năng lực xếp dỡ dự kiến đến năm 2030 có thể khai thác đạt đến 75 triệu tấn/năm. Cảng Nghi Sơn được xây dựng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận.
Ngay trong những ngày đầu năm 2011, thêm tin vui mới cho Khu kinh tế Nghi Sơn: quy hoạch chi tiết sân bay dân dụng Thanh Hóa đã được công bố. Sân bay sẽ được đầu tư trên 2.600 tỷ đồng để xây dựng trở thành sân bay cấp 3C, 4C, đủ khả năng đáp ứng vai trò của sân bay có lịch bay thường kỳ, tiến tới là cảng hàng không nội địa...
Nghi Sơn hôm nay đã có hình hài là trung tâm công nghiệp với các nhóm sản phẩm công nghiệp chính gồm: lọc hóa dầu, ximăng, nhiệt điện và luyện cán thép, đóng tàu. Trong thời gian tới, Khu kinh tế Nghi Sơn cũng đang mời gọi các nhà đầu tư với các sản phẩm như công nghiệp hóa chất, máy công cụ và cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông-lâm-thủy sản... để đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước.
Mùa Xuân mới đang về và ở Khu kinh tế Nghi Sơn sức Xuân đang phơi phới. Tin tưởng rằng, khu đô thị công nghiệp Nghi Sơn sẽ sớm trở thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp trong thời gian không xa./.
Trong tương lai không xa, khu kinh tế Nghi Sơn sẽ trở thành khu đô thị công nghiệp không những của Thanh Hóa mà còn là trọng điểm phát triển của vùng. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực về mọi mặt để mục tiêu đó sớm thành hiện thực.
Sức sống mới ở vùng quê nghèo
Giờ đây đi dọc Quốc lộ 1A, đoạn thuộc xã Nguyên Bình, Tĩnh Gia nhìn những dãy nhà cao tầng mọc san sát nhau, các cơ sở hạ tầng công cộng đang được hoàn thiện, ít ai nghĩ rằng đây là khu tái định cư của khu kinh tế.
Mặc dù đây là năm đầu tiên được đón Tết trên mảnh đất mới, có nhà đã hoàn thiện, có nhà vẫn đang trong quá trình xây nhưng không khí chuẩn bị Tết của bà con ở khu tái định cư Nguyên Bình vẫn tươi vui, tấp nập.
Trong ngôi nhà khang trang vừa mới hoàn thiện ở khu tái định cư Nguyên Bình, dù đang bận rộn với bánh trái, dưa hành chuẩn bị cho cả nhà ăn Tết, bà Nguyễn Thị Trường vẫn hồ hởi: “Lên trên này bước đầu còn khó khăn trong việc bắt nhịp với cuộc sống mới, nhưng bà con chúng tôi ai ai cũng vui, cũng cố gắng vì mình cũng có đóng góp nho nhỏ cho sự phát triển chung của quê hương. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là sau này, lớp con cháu chúng tôi được vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, rồi cũng đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho quê nhà. Chúng tôi còn biết rằng vài năm nữa thôi, chỗ chúng tôi ở sẽ trở thành phố, thành phường...”
Niềm vui của bà Trường cũng như các hộ dân nơi đây - những người đã nhường lại quê hương, bản quán của mình để xây dựng những công trình cho đất nước - là có cơ sở, bởi chính quyền địa phương đã phối hợp với các nhà đầu tư đã khẩn trương xây dựng hệ thống hạ tầng của 5 khu tái định cư để bà con yên tâm chuyển về nơi ở mới. Hiện tại các khu tái định cư đã đón được trên 1.000 hộ dân.
Cùng với việc lo an cư cho dân, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại cho Kkhu kinh tế Nghi Sơn. Đến nay, bằng nhiều nguồn vốn Khu kinh tế Nghi Sơn đã được đầu tư trên 1.300 tỷ đồng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng.
Trước mắt, bến cảng số 1+2, đường ống cấp nước thô, đường Đông-Tây 2, khu xử lý rác thải, hệ thống đê chắn sóng Nghi Sơn, đường 513 nối Nghi Sơn với Bãi Trành-ngược miền Tây tỉnh Thanh Hóa... đã và đang được hoàn thành để phục vụ cho khu kinh tế.
Giờ đây, Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn mang tầm quốc gia, khu vực. Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư gần 6,2 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 là 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự kiến năm 2014 sẽ cho sản phẩm. Khi đó, cùng với lọc dầu Dung Quất, lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng xăng, dầu của Việt Nam với các sản phẩm chính là xăng A92, A95, A98, dầu hỏa, diezel, nhiên liệu phản lực...
Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn, vốn đầu tư trên 690 triệu USD, công suất đạt 1.800 MW, đã khởi công xây dựng từ tháng 7/2010. Nhà máy ximăng Công Thanh, 456,8 triệu USD. Nhà máy luyện cán thép, 129 triệu USD, công suất 750.000 tấn phôi thép và 500.000 tấn thép cán/năm. Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển Nghi Sơn-Thanh Hóa, 47 triệu USD, có thể đón mới tàu trọng tải 50.000 DWT và sửa chữa tàu đến 100.000 DWT. Nhà máy cấp nước sạch có vốn đầu tư 44,8 triệu USD, công suất 90.000 m3/ngày đêm...
Xen kẽ những công trình đang triển khai xây dựng ở Khu kinh tế Nghi Sơn hôm nay đã có nhiều dự án đi vào hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đó là hai nhà máy ximăng Nghi Sơn và Công Thanh với tổng công suất trên 9 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu ximăng của khu vực phía Bắc.
Nhà máy ống cốt sợi thủy tinh, nhà máy bia Thanh Hóa... Giá trị sản xuất công nghiệp của khu kinh tế Nghi Sơn từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đạt trên 10.000 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP của tỉnh; đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Nghi Sơn hướng tới khu đô thị công nghiệp
Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, Bùi Huy Hùng cho biết: "Sau 4 năm đi vào hoạt động, đến thời điểm hiện tại, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 41 dự án đầu tư; trong đó có 35 dự án đầu tư trong nước với tổng nguồn vốn gần 50.000 tỷ đồng và 6 dự án FDI có tổng trị giá gần 6,9 tỷ USD. Điểm nhấn của Nghi Sơn chính là tập hợp những dự án mang tầm quốc gia và khu vực. Quan trọng hơn, phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn được Thanh Hóa chọn là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đưa Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh và trọng điểm phát triển của vùng."
Trong tương lai gần, Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ mở rộng quy hoạch ra toàn bộ địa bàn huyện Tĩnh Gia và tiến tới 2015 sẽ trở thành đô thị công nghiệp loại 3. Để đón đầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã nghiên cứu, công bố quy hoạch chi tiết 23 khu chức năng theo hướng đồng bộ, hợp lý. Đó là Cụm cảng Nghi Sơn, các Khu công nghiệp, 5 Khu tái định cư, Khu phi thuế quan, Khu du lịch sinh thái đảo Biện Sơn, Khu trung tâm dịch vụ công cộng, Khu đô thị trung tâm...
Một lợi thế của Nghi Sơn là cảng biển nước sâu được quy hoạch gồm 40 bến cho tầu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 50.000 tấn. Năng lực xếp dỡ dự kiến đến năm 2030 có thể khai thác đạt đến 75 triệu tấn/năm. Cảng Nghi Sơn được xây dựng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng lân cận.
Ngay trong những ngày đầu năm 2011, thêm tin vui mới cho Khu kinh tế Nghi Sơn: quy hoạch chi tiết sân bay dân dụng Thanh Hóa đã được công bố. Sân bay sẽ được đầu tư trên 2.600 tỷ đồng để xây dựng trở thành sân bay cấp 3C, 4C, đủ khả năng đáp ứng vai trò của sân bay có lịch bay thường kỳ, tiến tới là cảng hàng không nội địa...
Nghi Sơn hôm nay đã có hình hài là trung tâm công nghiệp với các nhóm sản phẩm công nghiệp chính gồm: lọc hóa dầu, ximăng, nhiệt điện và luyện cán thép, đóng tàu. Trong thời gian tới, Khu kinh tế Nghi Sơn cũng đang mời gọi các nhà đầu tư với các sản phẩm như công nghiệp hóa chất, máy công cụ và cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến nông-lâm-thủy sản... để đưa Nghi Sơn trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước.
Mùa Xuân mới đang về và ở Khu kinh tế Nghi Sơn sức Xuân đang phơi phới. Tin tưởng rằng, khu đô thị công nghiệp Nghi Sơn sẽ sớm trở thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp trong thời gian không xa./.
Nguyễn Mai Hương (TTXVN/Vietnam+)