Theo dấu chân của những người lính tiến vào giải phóng Điện Biên năm xưa, chúng tôi tới thành phố Điện Biên Phủ đang ngập tràn cờ hoa, biểu ngữ chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong những ngày này, mỗi ngày tại vùng lòng chảo Mường Thanh có tới 4.000-5.000 lượt khách trong và ngoài nước lên tham quan du lịch.
Điểm đến của chúng tôi là huyện Điện Biên Đông, nơi có địa chỉ đỏ Sa Dung - địa bàn đứng chân đầu tiên của Đội xung phong Quyết Tiến, một trong bốn đội võ trang tuyên truyền của Liên khu 10 được thành lập ngày 15/3/1948.
Theo Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam (Tập 1 xuất bản năm 1977), các Đội xung phong Quyết Tiến trực tiếp được Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch chỉ thị: “Phải làm sao xây dựng và phát triển cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên đất Điện Biên Phủ.”
Rừng núi của đồng bào dân tộc Mông, Thái, Lào, Dao... ở Điện Biên Đông từ ngàn xưa đến nay vẫn bí hiểm với những địa danh gắn với địa hình hiểm trở như Na Son, Keo Lôm, Háng Lìa, Phì Nhừ, Pú Nhi, Phình Giàng, Luân Giói, Chiềng Sơ... gợi nhớ đến bài thơ ''Tây Tiến'' của cố nhà thơ Quang Dũng ''Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm.''
Được tách ra từ huyện Điện Biên năm 1996, "cơ ngơi" của huyện Điện Biên Đông lúc bấy giờ là hai dãy nhà cấp 4 nằm cheo leo trên đỉnh dốc Na Son, vốn của Ban Chỉ đạo 10 xã vùng cao của huyện Điện Biên cũ.
Sau này dù đã được nâng cấp mở rộng, nhưng đến năm 1998, hai dãy nhà lại bị mưa lũ xói lở nghiêm trọng, buộc phải quy hoạch lại và chuyển đến địa điểm mới là thị trấn huyện ngày nay.
Để an cư cho bộ máy làm việc của huyện đã gian nan, song công cuộc vận động đồng bào các dân tộc địa phương tự giác giữ rừng, bỏ lối canh tác du canh du cư “chọc lỗ tra hạt” từ ngàn đời nay còn nan giải hơn nhiều.
18 năm ra "ở riêng,” chừng ấy thời gian cũng đã đủ làm nên sự đổi thay vượt bậc từ các bản xa xôi cho đến xã, phường, thị trấn trong huyện Điện Biên Đông. Minh chứng sống động là từ chỗ 50% số hộ đồng bào bị thiếu đói triền miên, ngày nay, bình quân lương thực đầu người của người dân trong huyện đạt 422 kg/năm/người.
Riêng sản lượng lúa nước vụ mùa đã sánh ngang sản lượng của tổng diện tích lúa nương cả năm, vì vậy chuyện đốt rừng làm nương tràn lan đã lùi xa vào quá khứ.
Mặc dù là lớp cán bộ lãnh đạo trẻ được tỉnh Điện Biên tăng cường nhưng Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trần Văn Thượng rất thông tỏ về sự khó khăn, cũng như các giải pháp vượt khó đang được áp dụng của vùng đất bạt ngàn đồi núi này.
Theo anh, thành công nhất của Đảng bộ huyện là đã nhanh chóng định canh định cư cho toàn bộ 13 xã và một thị trấn. Theo đó, bằng nguồn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn dự án giảm nghèo (WB), nguồn Chương trình Nghị quyết 30a, huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho từng xã bản.
Riêng trong năm 2013 vừa qua, toàn huyện Điện Biên Đông đã triển khai thực hiện 101 dự án, với tổng nguồn vốn xấp xỉ 142 tỷ đồng. Nhờ đó đã hình thành nên 13 tuyến huyện lộ với 300km đường giao thông nông thôn; 14/14 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia. Vì vậy, ngay cả trong mùa mưa lũ, các xã bản vùng cao, vùng xa vẫn không thiếu những mặt hàng thiết yếu như dầu hỏa, xăng, muối iốt, phân bón, giống nông nghiệp...
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Điện Biên về “Các đơn vị, cơ quan, ban ngành đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn,” hơn 10 năm qua, các xã của Điện Biên Đông cũng đã được giúp đỡ thiết thực về ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ vốn giống, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước... Đó là cú ‘hích” góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ cơ sở đến người dân, trong việc chủ động vươn lên xóa nghèo ngay chính vùng đất của mình.
Cụ thể như mô hình làm kinh tế giỏi Lò Văn Hoàn ở tổ 1 thị trấn Điện Biên Đông thu nhập 140 triệu đồng mỗi năm; ông Lò Văn Muôn bản Na Phát B, xã Na Son chăn nuôi gia súc tập trung thu về 70 triệu đồng/năm; ông Tráng A Tùng bản Tỉa Ghềnh A, xã Keo Lôm thu 50 triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi trâu bò sinh sản...
Báo Điện Biên Phủ đã nhận đỡ đầu xã vùng cao Phình Giàng, một xã 10 năm về trước còn chìm trong đói nghèo bởi nạn nghiện hút ma túy.
Tổng Biên tập báo Điện Biên Phủ Hoàng Hùng cho biết để thay đổi nhận thức của đồng bào H'Mông của xã, báo đã cử một phóng viên là người dân tộc H'Mông làm đặc phái viên “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” cắm ngay tại xã để thuyết phục những người “trì trệ” nhất ở các bản tự nguyện đi cai nghiện.
Sau đó, báo huy động các nguồn lực mua bò giống cấp cho hộ nghèo nuôi theo kiểu “cuốn chiếu.” Bước tiếp theo phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Điện Biên Đông hướng dẫn các hộ làm nương luân canh, thực nghiệm các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, đào ao thả cá...
"Mưa dầm thấm lâu,” ý thức của đồng bào dần thay đổi. Hiện Phình Giàng đã không còn tình trạng du canh du cư. Từ 10 con bò giống ban đầu, giờ đây cả xã đã có tới gần 100 con bò sinh sản và bò thịt, những hộ phải cứu đói giáp hạt trong tháng Tư này giảm 80% so với 10 năm về trước.
Nói như già bản Cứ Chừ Tú: “Muốn khá giả hơn còn phải phấn đấu nhiều. Nhưng bắp ngô, hạt thóc đã cõng được người H'Mông Phình Giàng vượt qua cái đói lâu rồi.”
Chúng tôi tới thăm và làm việc với xã Na Son, nơi huyện từng đặt trụ sở đầu tiên khi chia tách huyện. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã có nhiều độ tuổi khác nhau, và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã năm nay mới 27 tuổi - một trí thức trẻ năng động.
Anh là Bạc Cầm Nga, người dân tộc Thái ở Sơn La, là một trong những trí thức trẻ được tăng cường cho 62 huyện đặc biệt khó khăn theo Quyết định 170 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo lời Bí thư Đảng ủy xã Na Son Lò Văn Phanh: “Trí thức trẻ được tăng cường về phải giao việc cho họ, chỉ vẽ cho họ thì họ sẽ làm tốt được chức trách Đảng và Nhà nước giao. Vì họ đến đây là để giúp mình phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn. Mới đây, Đảng ủy đã bồi dưỡng kết nạp đồng chí Nga vào hàng ngũ của Đảng”.
“Tre già măng mọc,” cộng với truyền thống chói sáng Điện Biên Phủ Anh hùng, Điện Biên Đông đang phát huy trí lực của mình, cùng cộng đồng bảy dân tộc đã và đang đoàn kết cùng nhau vượt qua gian khó đi lên./.