Sức sống mới ở vùng đất cách mạng anh hùng Rừng Sác-Cần Giờ

40 năm sau giải phóng, Rừng Sác xưa từng cằn cỗi bởi chất độc hóa học của quân đội Mỹ giờ bạt ngàn màu xanh của rừng đước, mắm xen lẫn những ngôi nhà khang trang, ruộng muối, ao tôm trù phú.
Du khách tham quan Rừng Sác, Cần Giờ . (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Qua phà Bình Khánh, tuyến đường Rừng Sác thẳng tắp, với quy mô 6 làn đường là lối duy nhất để vào thị trấn Cần Thạnh - trung tâm hành chính của huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hai bên đường đi bạt ngàn những cây đước, cây mắm xanh mướt thuộc khu rừng dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ, xen lẫn với những ngôi nhà, ruộng muối, ao tôm của người dân.

Những người ở xa như chúng tôi khi tới đây không bao giờ có thể nghĩ rằng, cách đây 40 năm, vùng đất chỉ lưa thưa vài cụm cây do bị hủy diệt hoàn toàn bởi chất độc hóa học trong chiến tranh và con đường Rừng Sác khang trang vốn dĩ chỉ là những đầm lầy hoang vắng...

Gian lao mà anh dũng

Sinh ra và trưởng thành ở Cần Giờ, ông Đoàn Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư, Chủ tịch huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) hiểu rõ hơn ai hết những đổi thay của vùng đất này.

Ông kể lại trước đây, Cần Giờ không có hệ thống đường bộ như bây giờ. Duy nhất chỉ có đoạn đường đất dài 12km, bắt đầu từ thị trấn Cần Thạnh nối qua Long Hòa (giờ là đường Duyên Hải) dùng để đi bộ. Người dân muốn đi sang các xã khác chỉ có thể đi bằng ghe, thuyền.

Ngay cả thời điểm sau giải phóng, cán bộ địa phương muốn đi họp ở trung tâm thành phố cũng chỉ có cách đi ghe, thuyền qua Vũng Tàu rồi đón xe ngược lên.

Khó khăn nhất ở Cần Giờ là khan hiếm nước ngọt, người dân phải chắt chiu từng giọt. Một số xã như Cần Thạnh, Long Thạnh và Đồng Hòa đào giếng để lấy nước ngọt nhưng độ sâu chỉ khoảng 3m, sâu hơn sẽ gặp nước mặn; còn các xã khác như Lý Nhơn phải đào ao trữ nước mưa để sử dụng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với vị trí là con đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào cảng Sài Gòn, Cần Giờ thường xuyên bị “chà đi xát lại” bởi các cuộc hành quân bố ráp của địch.

Khó khăn đủ đường, thế nhưng người dân Cần Giờ đã dũng cảm cùng các chiến sỹ đặc công Rừng Sác (Đoàn 10, Đặc công Rừng Sác) kiên cường bảo vệ vùng căn cứ đặc biệt quan trọng này.

Trong tâm tưởng của Thượng tá Trần Ngọc Soạn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 28, Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, kỷ niệm sâu sắc nhất của ông về mảnh đất này là lúc đơn vị của ông hết gạo, hết nước ngọt, hết cả vũ khí để đánh địch.

Ông chia sẻ, may nhờ có đồng bào nơi đây đùm bọc, cưu mang, không ngại gian khó đã chuyên chở nước, gạo ra cho những người lính đặc công. Có lúc người dân phải giấu lúa trong bụi cây rồi về lấy thân cây đước giã gạo.

Cũng trong những năm tháng đó, nhiều du kích địa phương đã hy sinh trong quá trình vận chuyển lương thực cho các chiến sỹ đặc công Rừng Sác. Nước ngọt đã khan hiếm, nhưng người dân vẫn chắt chiu từng giọt để vận chuyển tới cho các chiến sỹ đặc công sử dụng.

Đánh giá về sự cống hiến vô bờ bến của nhân dân nơi đây, cuốn lịch sử Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng do Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn đã viết: “Khó có thể kể hết những tấm lòng cưu mang của người dân Rừng Sác đối với bộ đội, kể cả các em bé giúp đơn vị trong công tác trinh sát, giao liên…

Nhiều đồng bào chí cốt với cách mạng đã phải chịu tù đày tra tấn, mất cả sinh mạng khi địch phát hiện hành vi tiếp tế cho bộ đội. Nhờ có sự che chở, đùm bọc của nhân dân mà cán bộ, chiến sỹ Đoàn 10 đã vượt qua những thử thách ác liệt nhất của chiến trường.”

Những công trình "ý Đảng, lòng dân"

Sau giải phóng miền Nam năm 1975, hệ sinh thái đa dạng, trù phú của Rừng Sác đã bị hủy diệt gần như hoàn toàn bởi hàng chục ngàn tấn bom đạn, hàng triệu lít hóa chất khai quang. Thậm chí khi thủy triều dâng lên, khu vực rừng khoảng 70.000ha là một màu nước trắng xóa. Điều kiện đi lại khó khăn như thế đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và trình độ dân trí của người dân.

Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, sau thời điểm giải phóng miền Nam, ở Cần Giờ, ít có ai được học hết cấp trung học phổ thông, đa phần là học hết lớp 3, lớp 5 trường làng. Cả huyện khi đó chỉ có 1-2 trường cấp 2 đặt ở Bình Khánh và Cần Thạnh.

Còn cuộc sống của người dân thì hết sức khó khăn, chủ yếu sống dựa vào đánh bắt cá ven bờ. Người dân khi ấy chỉ có một ước mơ duy nhất là hình thành một con đường nối liền Cần Giờ với Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước mong mỏi của người dân và yêu cầu bức thiết để phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cần Giờ, năm 1982, lãnh đạo huyện Cần Giờ sau khi xem xét nội lực của địa phương đã quyết định huy động bà con nhân dân làm đường đất đầu tiên. Con đường này có chiều dài hơn 10km, mặt đường rộng 4m, nối liền từ phà Bình Khánh đến thôn An Nghĩa (xã An Thới Đông).

Nhận thấy quyết tâm của người dân Cần Giờ, ngay sau đó, thành phố đã quyết định hỗ trợ làm con đường liên xã từ Bình Khánh đến thị trấn Cần Thạnh và được hoàn thành năm 1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng lúc bấy giờ tham gia cắt băng khánh thành.

Đến năm 2011, con đường này chính thức được mở rộng và láng nhựa, với quy mô 6 làn xe, dài khoảng 36km, rộng 30m và tổng kinh phí là 1.561 tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu, đường Rừng Sác.

Sau giải phóng, một quyết định táo bạo của lãnh đạo thành phố đã được người dân Cần Giờ đồng thuận hưởng ứng. Đó là năm 1978, khi thành phố quyết định tập trung nguồn lực cùng người dân “hồi sinh” Rừng Sác.

Chỉ sau hơn 10 năm, diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ đã được trồng phục hồi lên đến hơn 22.500ha, đồng thời, khoanh nuôi bảo vệ để tái sinh tự nhiên khoảng 10.000ha.

Việc khôi phục rừng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, một mặt là lá phổi xanh của Thành phố Hồ Chí Minh, mặt khác trở thành nơi bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Năm 2000, tôi nhận được thông báo Cần Giờ có hai tin vui, vừa được Nhà nước công nhận là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, vừa được UNESCO công nhận rừng Cần Giờ là khu vực dự trữ sinh quyển thế giới. Trong niềm vui vô hạn của một người dân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, tôi đã lập tức nghĩ tới câu thơ 'Cây khô nay lại trổ hoa/Cần Giờ gian khổ được ra anh hùng'," ông Đoàn Ngọc Tuấn chia sẻ.

Phát huy lợi thế biển để phát triển bền vững

40 năm sau giải phóng, việc hình thành con đường Rừng Sác và phủ xanh rừng ngập mặn Cần Giờ đã thay đổi toàn bộ đời sống, xã hội của người dân nơi đây.

Có thể nói, thành quả trên bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố Hồ Chí Minh, sự đồng lòng của người dân nơi đây đã góp phần quan trọng vào sự “thay da đổi thịt” cho vùng đất anh hùng Cần Giờ.

Ngày nay, nhiều trường học kiên cố đã được xây dựng, đảm bảo nhu cầu đào tạo trên địa bàn. Cần Giờ cũng là địa phương được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở.

Từ chỗ thiếu nước ngọt trầm trọng, bây giờ 100% người dân đã có nước sạch để sử dụng. 100% các hộ đã có điện để sử dụng. Hàng trăm kilômét đường nhựa, bêtông nối liền các xã về ấp, ngõ.

Mặc dù, điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nhưng huyện kinh tế Cần Giờ đang có sự chuyển biến khá mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp-xây dựng phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển.

Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 42% năm 1996 xuống còn 7,7% trong năm 2014 (theo chuẩn dưới 12 triệu đồng/người/năm).

Trong những năm gần đây, huyện Cần Giờ đã tập trung thực hiện 3 chương trình trọng điểm, gồm chương trình thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện, xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển giáo dục và đào tạo huyện đến năm 2020, nhằm phát triển vùng đất này theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, huyện thực hiện 7 nhóm công trình đột phá nhằm tạo bộ mặt mới trong quy hoạch ở địa phương cũng như hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân. Trong số này có một số nhóm công trình quan trọng như di dời một phần và sắp xếp lại dân cư xã Thạnh An - xã đảo duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp tuyến đê biển, đê sông ứng phó với biến đổi khí hậu; xây mới Bệnh viện Đa khoa Cần Giờ với quy mô 200 giường... đang được huyện Cần Giờ tập trung nguồn vốn để thực hiện.

Với tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng của huyện có nhiều thay đổi cũng như lợi thế về phát triển du lịch, Cần Giờ bước đầu đã thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.

Trong 5 năm qua, bình quân đã có khoảng 430.000 lượt du khách/năm tới tham quan các điểm du lịch của huyện như khu du lịch đảo khỉ, Vàm Sát, khu di tích lịch sử Rừng Sác...

Để phát huy thế mạnh của địa phương, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung một số giải pháp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sinh thái và đường sông để thu hút khách du lịch tới tham quan.

Bên cạnh lĩnh vực du lịch, huyện sẽ tập trung đầu tư, phát triển vào lĩnh vực địa phương có lợi thế là khai thác và nuôi trồng thủy sản, thông qua việc đưa ứng dụng công nghệ trong chế biến thủy sản.

Đây cũng là một phần trong đề án xây dựng Trung tâm thủy sản của Thành phố Hồ Chí Minh tại Cần Giờ trong thời gian tới.

Mới đây, Cần Giờ là một trong 4 quận, huyện được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu thành lập Khu kinh tế đặc biệt của thành phố.

Đề án này sẽ căn cứ đặc trưng, tiềm năng từng quận-huyện để xác định trọng tâm đầu tư khai thác nhằm tạo điểm nhấn riêng của mỗi nơi; đồng thời nghiên cứu hướng kết nối với các vùng lân cận.

Đây sẽ là bước đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng; khai thác cảng biển, phát triển kinh tế biển… không chỉ cho khu vực 4 quận, huyện này mà còn cho cả thành phố hướng ra Biển Đông, khai thác vùng phía Nam của thành phố./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục