Sức sống hàng Việt: Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Đề xuất đưa tiểu thương tại các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử được cho là một bước đi sáng suốt, phù hợp để triển khai rộng rãi trong trạng thái “bình thường mới.”
Sơ chế, đóng gói sản phẩm nho xanh tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) để chuẩn bị đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Sơ chế, đóng gói sản phẩm nho xanh tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận, Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) để chuẩn bị đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các chợ dân sinh phải đóng cửa theo các chỉ thị giãn cách của Chính phủ khiến nhiều tiểu thương bị tồn nghẽn nông sản.

Đề xuất đưa tiểu thương tại các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) được cho là một bước đi sáng suốt, phù hợp để triển khai rộng rãi trong trạng thái “bình thường mới.”

Hiện nay, nông sản cần tiêu thụ tại các tỉnh thành phía Nam rất lớn. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh đang cần tiêu thụ 27.000 tấn khoai lang tím, ngoài ra tỉnh còn có nhiều nông sản khác.

Các tiểu thương tại chợ đầu mối tỉnh Vĩnh Long sẵn sàng tham gia cung cấp các sản phẩm đầu vào cho túi an sinh Viettel Post đang thực hiện để hỗ trợ người nông dân.

Đại diện Sở Công Thương Long An khẳng định sẵn sàng phối hợp cung cấp một số thông tin sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử của Viettel Post và hy vọng doanh nghiệp này tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Long An trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề trên, Viettel Post đã lên kế hoạch, đề xuất với Sở Công Thương các tỉnh đưa tiểu thương tại các chợ dân sinh lên sàn thương mại điện tử.

Theo bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post, đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi chính các tiểu thương cũng là đối tượng bị ảnh hưởng khi các chợ dân sinh đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Khi mô hình này được triển khai, Viettel Post và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò có thể tiếp cận đến người bán hàng tại các chợ dân sinh, đưa những sản phẩm chất lượng lên sàn thương mại điện tử.

Mô hình này vừa giúp đảm bảo đầu ra cho các tiểu thương, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để Viettel Post cung ứng cho người dân cả nước.

Bà Cao Cẩm Linh đề nghị Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ việc liên thông đi giao hàng bằng xe máy cũng như xe tải liên tỉnh. Ngoài thu mua nông sản, Viettel Post sẽ hỗ trợ các hộ tiểu thương kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.

Theo đó, các Sở Công Thương cần cung cấp danh sách các chợ dân sinh, danh sách tiểu thương trong chợ để khoanh vùng, từ đó hỗ trợ đưa các tiểu thương của chợ lên sàn Vỏ Sò kinh doanh. Việc này sẽ tránh trường hợp khi đóng của chợ dân sinh thì không có đầu mối để tiếp cận đến người dân.

["Hai vấn đề cần tư duy lại trong tiêu thụ nông thủy sản ở ĐBSCL"]

Các tiểu thương trong chợ dân sinh sẽ được Viettel Post và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn, quảng bá sản phẩm tới các khách hàng quen và khách hàng tiềm năng.

Với kênh bán hàng mới này, bà con tiểu thương có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn thương mại điện tử Vỏ Sò.

Sức sống hàng Việt: Tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử ảnh 1Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được quảng bá trên Sendo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngay cả trong trường hợp các chợ dân sinh không được hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tiểu thương vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, giúp đảm bảo an sinh cuộc sống.

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, cho biết hiện nay, Sở Công Thương của 18 tỉnh miền Nam đã chuyển danh sách các tiểu thương, nhà cung cấp trên địa bàn đến Vỏ Sò để đơn vị này liên hệ tiếp xúc, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Như vậy, việc các tiểu thương được đưa lên sàn thương mại điện tử sẽ biến sàn thương mại điện tử trở thành các “chợ dân sinh trực tuyến,” một nguồn cung mới cho dịch vụ “đi chợ hộ” mà Viettel Post đang triển khai trên toàn quốc.

Trước đó, các chiến dịch an sinh xã hội, “đi chợ hộ” cho người dân yếu thế cũng đã được Viettel Post triển khai tại nhiều tỉnh miền Nam, giúp cho người dân tại đây đảm bảo về lương thực, thực phẩm trong mùa dịch.

Hơn 1.000 nhân viên giao hàng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là hạt nhân quan trọng, trực tiếp vận chuyển hàng trăm nghìn gói hỗ trợ gồm lương thực, hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết đến tận tay người dân.

Chính sự thích nghi nhanh với tình hình dịch bệnh đã giúp Viettel Post thực hiện được nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa tới tay người dân, vừa đáp ứng an toàn phòng chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục