Giá vàng đã tăng vọt lên các mức cao kỷ lục mới thời gian gần đây trước sự xuất hiện bất ngờ của một nhóm khách hàng. Đó là các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc.
Chủ tịch Tsutomu Kosuge của công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge có trụ sở chính tại Tokyo, cho biết đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3-4/2024 là một ví dụ bất thường về nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc đang đẩy thị trường lên cao.
Trên thị trường New York, giá vàng kỳ hạn dao động trong khoảng 2.300-2.350 USD/ounce, tăng hơn 10% so với mức giá đóng cửa 2.054,70 USD/ounce hồi cuối tháng 2/2024.
Giá vàng kỳ hạn đã chạm mức cao kỷ lục trong 8 phiên giao dịch liên tiếp vào đầu tháng 4/2024, có lúc chạm mức 2.448,80 USD/ounce.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ giao dịch vàng (ETF) đã chứng kiến tổng cộng hơn 113 tấn chảy ra khỏi quỹ này trong quý 1/2024. ETF vàng thường thu hút các quỹ đầu cơ từ các nhà đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn tại Mỹ đã tăng lên, do đó các nhà đầu tư dường như đã rút vốn khỏi vàng.
Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng, dẫn đến những đồn thổi trên thị trường về danh tính của những người mua bí ẩn.
Theo WGC, nhu cầu vàng thỏi và vàng miếng của Trung Quốc trong quý 1/2024 tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái lên 110,5 tấn.
Theo một nhà quan sát thị trường, nhu cầu từ các nhà đầu tư cá nhân đã thúc đẩy việc mua vào trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) và việc các nhà giao dịch mua vào để dự trữ và bán trên SGE cũng đẩy giá vàng lên cao.
Nhà phân tích thị trường Jeff Toshima cho biết tiền đang đổ vào vàng sau khi mất đi các kênh đầu tư khác do thị trường bất động sản lao dốc và các hạn chế được áp đặt đối với tài sản tiền điện tử và tài sản được giao dịch bằng USD.
Giá vàng giao ngay tại Trung Quốc đã vượt qua mức giá chuẩn quốc tế của thị trường London (Anh) kể từ tháng 6/2023. Tính đến ngày 1/4, mức chênh lệch lên tới 85,60 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng vẫn được mua vào ở Trung Quốc bất chấp việc bị định giá quá cao so với các thị trường khác.
Giám đốc điều hành Takahiro Morita của công ty theo dõi thị trường hàng hóa Morita & Associates, cho biết các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang mua vàng để "bảo vệ tài sản do lo ngại về sự mất giá của đồng nội tệ". Điều này có thể biến thành một xu hướng dài hạn.
Đồng USD tăng giá mạnh đang khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đẩy mạnh mua vàng dự trữ.
Bên cạnh những bất ổn kinh tế khiến người dân Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như tài sản trú ẩn an toàn, thì đà tăng giá của đồng bạc xanh cũng là một lý do quan trọng. Đồng USD quá mạnh khiến hàng nhập khẩu của các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã mua vào 60.000 ounce vàng trong tháng 4/2024, đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp bổ sung vàng vào kho dự trữ.
Chỉ số USD, đo lường giá trị của đồng USD so với rổ 6 loại tiền tệ khác, đã tăng 4% trong năm nay và 10% kể từ đầu năm 2022. Đồng NDT đã giảm 1,6% so với đồng USD từ đầu năm đến nay.
Theo WGC, Trung Quốc cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ là những nước đang tích cực mua vàng. WGC cho biết trong quý 1/2024, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mua tổng cộng 290 tấn vàng. Đây là mức mua ròng cao nhất từ trước đến nay.
Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục, đặc biệt là với các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi. Bên cạnh lý do đa dạng hóa tài sản, việc giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng là một động lực chính trị của một số quốc gia.
Các nhà phân tích lo ngại rằng sức mạnh của đồng USD có thể ảnh hưởng đến vai trò của đồng tiền này như một đồng tiền dự trữ.
Giá vàng giao ngay hiện đang ở mức khoảng 2.330 USD/ounce, giảm so với mức cao kỷ lục trên 2.400 USD/ounce trong tháng 4/2024./.
Bất chấp giá cao kỷ lục, dự trữ vàng của Trung Quốc tăng tháng thứ 18 liên tiếp
Theo số liệu chính thức được công bố ngày 7/5, PBoC đã mua 60.000 ounce vàng trong tháng 4/2024, giảm so với mức 160.000 ounce vào tháng 3/2024 và 390.000 ounce vào tháng 2/2024.