Sức mua hồi phục chậm, xuất khẩu của Việt Nam giảm hai con số

Trước nhiều khó khăn do đơn hàng giảm, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh và giảm giá thành.
Sức mua hồi phục chậm, xuất khẩu của Việt Nam giảm hai con số ảnh 1Thông quan hàng hóa tại cảng khu vực phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn hàng giảm do những khó khăn chung của thị trường thế giới. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng vừa qua tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, trong đó xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm ở mức hai con số.

Đây là số liệu báo cáo thống kê do Bộ Công Thương đưa ra về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 7 tháng đầu năm 2023.

Công nghiệp chế biến giảm gần 12%

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 7, xuất khẩu của cả nước thu về khoảng 29,68 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%. Tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm hàng đều giảm. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến giảm 11,9%; nhiên liệu và khoáng sản giảm 16,4% còn nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 0,2%.

Ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kẻ Gỗ chia sẻ, đây không phải lần đầu doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó vì trước đây doanh nghiệp cũng đã phải đối diện với nhiều khó khăn.

"Doanh nghiệp đều hiểu là sẽ có những chu kỳ nhất định và sau mỗi một giai đoạn khó khăn sẽ là một chu kỳ phát triển mới. Khó khăn kéo dài bao lâu không thể nói trước được, nhưng đến thời điểm nào đó sẽ phải qua và doanh nghiệp phải chuẩn bị, duy trì “sức khỏe” đến thời điểm đó. Chắc chắn sau đó nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên," ông nói.

[Tận dụng thời cơ nhưng phải giữ an ninh lương thực]

Bà Đào Thị Thanh Thúy, Giám đốc điều hành Công ty Sản xuất Thương mại và Xây dựng Thiên Phát cho biết thông thường mọi năm, tới dịp 30/4 và 1/5 phải xếp lịch mới được nghỉ lễ, còn nửa đầu năm nay, thậm chí ngày bình thường cũng nghỉ xen kẽ do lượng đơn hàng giảm…

Còn theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn. Với các khách hàng truyền thống thì mức độ suy giảm khoảng 30-40% còn một số doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì các đơn hàng nhỏ gần như là chưa có tín hiệu khả quan…

Sức mua hồi phục chậm, xuất khẩu của Việt Nam giảm hai con số ảnh 2Doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp về công nghệ để nâng cao năng suất, giảm giá thành. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều suy giảm trong 7 tháng vừa qua. Đơn cử, tại thị trường Mỹ giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, thị trường EU giảm 9,9%; ASEAN giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 8,8%; Nhật Bản giảm 3,5%...

Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Ở chiều ngược lại, nhu cầu hàng hóa của thế giới giảm cũng ảnh hưởng đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể hơn, trong 7 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 179,5 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 16,1% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 17,7%.

Một số mặt hàng giảm mạnh, như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 14,6%; vải các loại giảm 18,6%; thép các loại giảm 30,6%; cao su các loại giảm 39,3%; bông các loại giảm 21%; hóa chất giảm 25,4%; phân bón giảm 24,5%...

Từ kết quả trên, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 1,34 tỷ USD).

Đánh giá tình hình chung, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, giai đoạn vừa qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu mà nổi lên trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga-Ukraine.

Trong khi đó hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài dẫn tới hệ lụy làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đặc biệt là sức mua tại một số thị trường chủ lực giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng do đây là những thị trường nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như may mặc, da giày, đồ gỗ…

Bên cạnh đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 7 tháng năm 2023, trong đó giá nhiều mặt hàng nông sản như nhân điều, chè, hạt tiêu, cao su… đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái (như: hạt tiêu giảm 28,4%; cao su giảm 20,6%), trong khi giá xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh ở mức hai con số như: dầu thô giảm 25,2%; xăng dầu các loại giảm 16,9%; Phân bón các loại giảm 36,2%...

Sức mua hồi phục chậm, xuất khẩu của Việt Nam giảm hai con số ảnh 3Tận dụng thời cơ để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đúc Duy/Vietnam+)

Trước thực tế trên, để hỗ trợ doanh nghiệp về mặt thị trường, Bộ Công Thương đang nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Song song đó, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Với thực tế hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Cùng với đó, tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục