Từ lâu, việc khai thác những nhân vật nổi tiếng nhằm mục đích tuyên truyền đã trở nên phổ biến tại các cơ quan trên thế giới. Người nổi tiếng đầu tiên khởi đầu xu hướng này là Danny Kanye, Đại sứ thiện chí tuyên truyền cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF vào năm 1954.
Trong thời đại truyền thông xã hội ngày nay, khi mà tầm ảnh hưởng của một nhân vật tỷ lệ thuận với số người theo dõi họ trên Twitter, thì xu hướng này càng trở nên hữu dụng hơn bao giờ hết.
Nam diễn viên Leonardo DiCaprio dẫn đầu đoàn diễu hành nhằm khuyến khích thực hiện các giải pháp cho hiện tượng nóng lên toàn cầu tổ chức tại New York vào Chủ Nhật, đồng thời tham gia khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về vấn đề khí hậu cùng với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon là những sự kiện ít người bỏ lỡ trong tuần qua.
Có được sự quan tâm này của công chúng một phần là nhờ có Twitter và Youtube, và cũng nhờ vào sự xuất hiện của DiCaprio trên Instagram nhân dịp các sự kiện này. Chỉ trong chưa tới 4 ngày, đã có tới hơn 300.000 người theo dõi tài khoản Instagram của nam diễn viên này, và con số đó đang ngày một tăng thêm.
Chưa có bất kỳ một quan chức hay đại biểu nào có mặt tại cuộc họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần vừa rồi nhận được sự chú ý lớn tới vậy. Những ví dụ tiêu biểu khác gồm có Emma Watson, người đã khởi động chiến dịch mang tên “HeforShe” nhằm kêu gọi nam giới hành động tích cực hơn vì quyền bình đẳng cho phụ nữ; Victoria Beckham, đại sứ thiện chí mới cho UNAids; hay Idril Elba, nam diễn viên có cha mẹ đến từ Sierra Leone, tham gia phiên họp khẩn cấp về dịch Ebola.
Tuy nhiên, đôi khi việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng cũng phản tác dụng. Sau khi ca sỹ Christina Aguilera trở về từ chuyến thăm Rwanda trong khuôn khổ Chương trình Lương thực thế giới, cô đã mô tả quốc gia này là nơi bị “chiến tranh tàn phá,” mặc dù Rwanda không hề có chiến tranh trong suốt 20 năm trở lại đây. Ngoài ra, cô cũng phát hành một đoạn video về chuyến đi mà nhiều người cho rằng chỉ là một đoạn băng quảng bá hình ảnh của bản thân Aguilera, với nhạc nền là bài hát của cô ca sỹ này.
Dù vậy, tầm ảnh hưởng của những người nổi tiếng vẫn rất quan trọng đối với Liên hợp quốc và các tổ chức khác. “Ý kiến của những người có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng sẽ được quan tâm hơn rất nhiều... và đó là thực tế cuộc sống,” Adrian Lovett, một giám đốc điều hành của One - nhóm vận động toàn cầu được thành lập bởi ca sỹ Bono của nhóm U2 cho biết.
Tại Liên hợp quốc, không ai nhận thấy điều này rõ ràng hơn Jeff Brez, người đứng đầu bộ phận Quan hệ và Vận động các tổ chức phi chính phủ. Brez đưa ra ví dụ về đoạn băng trên Youtube ghi lại bài diễn văn của DiCaprio tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu với tổng cộng 1.143.167 lượt xem. Trong khi đó, đoạn clip tương tự của Tổng thống Mỹ Obama chỉ có 15.000 lượt xem.
Tầm ảnh hưởng của những đại sứ này đã trở nên hiệu quả và sâu sắc hơn rất nhiều với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông. “Hai mươi năm về trước, sự xuất hiện của DiCaprio có lẽ chỉ được nhắc tới trong một bài báo nào đó. Nhưng giờ đây, phương tiện truyền thông, đặc biệt là mảng video, đã giúp cho các thông điệp được gửi tới một số lượng khán giả lớn một cách đáng kinh ngạc.”
“Bono và nhiều người khác có lẽ sẽ cho rằng việc lắng nghe tiếng nói của một người nổi tiếng trước khi tham khảo ý kiến của bất kỳ ai khác là chuyện điên rồ,” ông Lovett nói thêm. “Nhưng đó là một thực tế của cuộc sống”./.