Sức mạnh của cộng đồng trong cuộc chiến COVID-19 ở tâm dịch Đà Nẵng

Mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng của Đà Nẵng đang là một "pháo đài," mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch.
Những phần quà hỗ trợ được kịp thời chuyển tới các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực phong tỏa. (Nguồn: TTXVN)

Mỗi gia đình, thôn bản, xóm làng là một "pháo đài," mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 3/8 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại khu vực miền Trung.

Đây cũng là cách mà người dân, chính quyền Đà Nẵng đang áp dụng, nỗ lực nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chống dịch hiệu quả từ khu dân cư

Đã chục ngày nay, ông Phan Minh Đồng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Phước 6 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), có thêm nhiệm vụ tổng kết và báo cáo dữ liệu hoạt động của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng khu dân cư Đa Phước 6. Đây là nhiệm vụ mới, sau 5 năm làm Bí thư Chi bộ của ông Đồng.

Khu dân cư Đa Phước 6 là nơi thường trú của bệnh nhân số 416, ca bệnh COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng trong đợt dịch này.

Tổ phòng, chống dịch cộng đồng của khu dân cư đã được thành lập ngay sau khi Bộ Y tế công bố về ca bệnh số 416.

Tổ gồm hơn 20 người, với nhiệm vụ chính là kiểm tra thân nhiệt, lấy lời khai y tế và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho toàn bộ người dân trong khu dân cư.

[Chung sức cùng Đà Nẵng chống dịch COVID-19: Mỗi người góp một tay]

Ông Đồng cho biết hiện người dân trong tổ dân phố đang chấp hành rất tốt quy định cách ly tại nhà và khai báo với Tổ phòng, chống dịch cộng đồng. Nhờ kiểm soát tốt, tâm lý bà con ổn định, thoải mái nên trong thời gian cách ly xã hội, khu dân cư Đa Phước 6 vẫn yên ả, bình dị như các khu khác trong toàn thành phố Đà Nẵng.

“Chúng tôi dùng tình cảm để động viên, trấn an bà con trong xóm. Nếu thấy cán bộ lạ tới kiểm tra, nhắc nhở, bà con sẽ có tâm lý lo lắng, sợ hãi. Nhưng khi thấy toàn các tổ trưởng, tổ phó, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... của khu dân cư đi vận động phòng, chống dịch, các hộ dân đều tuân thủ chấp hành, hợp tác kiểm tra y tế. Tôi thấy đây là một chủ trương, cách làm đúng đắn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch,” ông Đồng nhận định.

Tổ dân phố 37 (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) lại có hoàn cảnh khác. Tổ dân phố này có hơn 30 hộ nằm trong khu vực bị phong tỏa. Đây là khu vực sát với Bệnh viện Đà Nẵng, nơi phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 nhất cho đến thời điểm này.

Những ngày phong tỏa, nhịp sống của người dân nơi đây vẫn trôi qua rất nhẹ nhàng, êm đềm: người lớn đọc sách, đánh cờ, trẻ con đi xe đạp, tập thể dục...

Bà Nguyễn Thị Vân, Tổ phó Tổ dân phố 37, cho biết phần lớn người dân trong khu vực có kinh tế ổn định, nên việc phong tỏa không quá ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một số hộ khó khăn đã được các hộ còn lại hỗ trợ, giúp đỡ với tinh thần “là lành đùm lá rách,” sẻ chia nhau từng bát gạo, từng chai mắm. Ngoài ra, các cấp, các hội đoàn thể cũng thường xuyên tặng quà, hỗ trợ các hộ khó khăn, gia đình chính sách, đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau.”

Tính đến 18 giờ ngày 5/8, Đà Nẵng ghi nhận 193 trường hợp mắc COVID-19.

Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, đến ngày 5/8, thành phố Đà Nẵng đã xác định được 8.656 đối tượng F1, 6.512 đối tượng F2 liên quan đến các trường hợp nhiễm SAR-CoV-2. Thành phố đã thực hiện lấy 22.670 mẫu xét nghiệm, trong đó 21.101 mẫu có kết quả âm tính.

Mỗi gia đình tìm niềm vui riêng trong cách ly xã hội

Trái với nhịp sống sôi động thường ngày của thành phố du lịch nổi tiếng, đường phố Đà Nẵng những ngày này rất vắng vẻ, nhẹ nhàng, yên tĩnh.

“Thành phố bình tĩnh sống,” đó là cách người Đà Nẵng đùa nhau trong thời gian cách ly xã hội. Đa số các gia đình tại Đà Nẵng đều tuân thủ nghiêm các quy định, hạn chế ra khỏi nhà và dành thời gian bên nhau. Cũng chính vì thế, mỗi gia đình lại có những cách làm riêng, giúp gắn kết tình cảm và có tinh thần lạc quan chống chọi với dịch bệnh.

Chốt kiểm soát khu vực phong tỏa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Chị Nguyễn Mỹ Phương (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho biết chị có hai bé gái, một bé 8 tuổi và một bé hơn 3 tuổi, bố các bé đi làm xa nhà. Đợt này chỉ có 3 mẹ con tự chơi với nhau.

Thời gian này, chị dành cả ngày vào việc hướng dẫn các con tự chăm sóc bản thân và tự làm việc nhà. Bé lớn sẽ được tập gấp chăn màn, quần áo, quét nhà, trông em, phụ mẹ nấu cơm... Bé nhỏ giúp mẹ những việc có thể làm được. Đến tối, các bé sẽ được gọi điện cho bố, cho ông bà để kể lại những thành tích mà ngày hôm nay đã làm được.

Mỗi ngày, cả 3 mẹ con cũng dành thời gian để xem bản tin tình hình dịch bệnh trên truyền hình. Các bé rất quan tâm và có ý thức tốt về phòng, chống dịch.

Gia đình chị Trần Thị Tuyến, anh Vũ Thìn đã chuyển từ Hà Nội vào định cư tại thành phố Đà Nẵng được khoảng 5 năm. Trải qua 2 đợt cách ly xã hội tại Đà Nẵng, anh chị dành hết thời gian để cùng hai con trai chơi và học tại nhà.

Anh Thìn là người làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, có vốn tiếng Anh rất tốt. Do vậy, anh nhận nhiệm vụ luyện tiếng Anh và tập thể dục tại nhà cho các con.

Chị Tuyến tranh thủ thời gian này để dạy con trai lớn nấu ăn những món cơ bản, học vẽ cùng con út, hướng dẫn các con chăm sóc bà nội đã già yếu...

Hai con trai có sở thích hát và chơi đàn ghita, piano, anh chị dành nhiều thời gian hơn để nghe các con ca hát, động viên và khuyến khích các con dành nhiều thời gian cho âm nhạc.

Theo chị Tuyến, việc cần thiết lúc này là tạo ra những công việc thú vị khác nhau mỗi ngày, giúp giữ cho các con ở nhà mà vẫn “rời xa” các trò chơi điện tử, các trang web độc hại. Vì vậy, chị chủ động tham gia những trang cộng đồng dành cho bố mẹ trên mạng xã hội, để tìm hiểu thêm các hoạt động mới mẻ, những phương pháp dạy trẻ hiện đại.

“Không chỉ các con, mà các bố mẹ cũng luôn cần học hỏi để hoàn thiện hơn. Thời gian cách ly này giúp vợ chồng chúng tôi nhìn lại và đánh giá chính mình, qua đó định hướng được cách nuôi dạy con, xây dựng hạnh phúc tốt hơn trong thời gian tới,” chị Tuyến chia sẻ.

Sau ngôi nhà nằm trên đường Quang Trung (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bị phong tỏa, gia đình anh Phạm Nam Hưng nghiêm túc ở nhà, chỉ ra ngoài khi lấy lương thực, thực phẩm gửi người quen mua hộ.

Anh Hưng cho biết: “Tôi thấy việc cách ly trong gia đình, phong tỏa khu phố là hết sức bình thường. Thực ra tôi cách ly ở nhà vẫn còn rất thoải mái khi so với các bác sỹ đang làm việc trong khu cách ly của bệnh viện, vì chống dịch nên không được bật điều hòa, họ phải mở hết cửa và mặc quần áo bảo hộ cả ngày.”

Thậm chí, khi khu phố nhà mình bị cách ly, anh Phạm Nam Hưng còn thấy mừng, vì thành phố đã khoanh vùng được “ổ dịch,” sẽ sớm dập được dịch.

Anh Hưng hào hứng động viên: “Chúng tôi vẫn ổn. Tất cả bà con thành phố hãy tin tưởng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của chính quyền, để dịch bệnh sớm được kiểm soát.”

Trong quá khứ, thành phố biển có vị trí chiến lược này đã nhiều lần bị giặc ngoại xâm tấn công và chiếm đóng, nhưng cũng từng đấy lần dân tộc Việt Nam đã vẻ vang chiến thắng, bảo vệ chủ quyền đất nước. Lần này, tinh thần “chống dịch như chống giặc” một lần nữa được khơi dậy mỗi người dân Đà Nẵng. Những chiếc khẩu trang đã che kín gần hết khuôn mặt, nhưng trong ánh mắt từng người dân Đà Nẵng, luôn hừng hực những ý chí, những nghị lực, những quyết tâm "Đà Nẵng ơi, sẽ ổn thôi"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục