Chiều ngày 6/9, chứng khoán châu Á đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư trở nên lo lắng hơn khi các động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu đều ghi nhận tăng trưởng yếu hơn, trong khi đồng USD lên giá khiến sự không chắc chắn về triển vọng lãi suất của Mỹ gia tăng.
Trong phiên này, chỉ số cố phiếu MSCI toàn châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,45%.
Chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) mất 72,14 điểm, tương đương 0,39%, còn 18.384,77 điểm.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải bất ngờ đảo chiều tăng 3,71 điểm, tương đương 0,12%, lên 3.158,08 điểm và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bật tăng 204,26 điểm, tương đương 0,62%, đạt 33.241,02 điểm.
Nguyên nhân của sự tăng giá cổ phiếu trên sàn Tokyo được lý giải là do tỷ giá đồng yen hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, thúc đẩy cổ phiếu của các nhà xuất khẩu nổi bật, như nhóm các nhà sản xuất ôtô, trong khi cổ phiếu ngành năng lượng hoạt động tốt hơn nhờ giá dầu thô tăng.
Theo kế hoạch, dữ liệu thương mại tháng Tám của Trung Quốc sẽ được công bố vào ngày 7/9.
Các nhà phân tích dự đoán xuất khẩu và nhập khẩu của cường quốc lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giảm chậm hơn so với các tháng trước.
[Phố Wall trượt dốc khi giá dầu 'chạm đỉnh' của 9 tháng]
Tại châu Âu, các dữ liệu trong ngành sản xuất và dịch vụ từ Đức, Anh và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể.
Chuyên gia Wong nói nhiều khả năng sẽ xuất hiện một cuộc suy thoái nhẹ ở cả Mỹ và châu Âu vào cuối năm nay, hoặc đầu năm tới.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm thông tin về triển vọng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thống đốc Fed Christopher Waller, ngày 5/9, cho biết dữ liệu kinh tế mới nhất tạo thêm không gian để Fed cân nhắc về việc có cần tăng lãi suất lần nữa hay không./.