Trong những ngày cận Tết Đinh Dậu 2017, làng nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vẫn đang sản xuất liên tục những chú heo đủ sắc màu, nhiều mẫu mã để kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày một tăng cao trong dịp Xuân mới đang về.
Là một trong những làng nghề nổi tiếng nhất của vùng đất Bình Dương, nghề làm heo đất ở Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia sản xuất.
Thổ nhưỡng của vùng đất này có hàm lượng cao lanh nhiều, rất phù hợp với nghề đất nung, sản phẩm đồ gốm đẹp.
Tuy thị trường heo đất đang ngày càng bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh khốc liệt với heo nhựa, nhưng những sản phẩm heo đất ở Tân Phước Khánh vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện heo đất Tân Phước có mặt ở thị trường nhiều tỉnh miền Trung, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thậm chí xuất khẩu sang Thái Lan và Campuchia.
Tại lò nung của gia đình ông Phan Văn Hiệp, nằm trong một con hẻm nhỏ của phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên vào những ngày cận Tết, dây chuyền sản xuất nhộn nhịp, hối hả cho ra lò những con heo đất, gà đất cho kịp nhu cầu thị trường.
Từ đầu ngõ, hàng nghìn chú gà đất, heo đất xinh xắn đang phơi mình trên những chiếc giàn tre trong nắng ấm ngày cuối năm.
Ông Hiệp chia sẻ, gia đình ông làm heo đất bán quanh năm. Sau khi mua đất về, đất được phơi nắng cả tháng để tẩy những kim loại nặng và hóa chất trong đất. Sau đó, đất trộn keo được xay nhuyễn thành bột sền sệt màu nâu thẫm rồi đổ vào từng khuôn tạo thành hình dạng heo, gà, thỏ...
Sau khi được phơi nắng, những sản phẩm này được đưa vào lò nung liên tục trong vòng 8 giờ để tạo ra thành phẩm.
Ông Hiệp cho biết, khó nhất là xếp heo, gà vào lò để nung. Khi xếp phải xếp từng lớp sao cho chúng không nghiêng ngả, tránh sứt mẻ. Việc này đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật và sự cần mẫn.
“Khoảng từ năm 201-2015, heo đất bán khá chậm, thu lãi ít nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Tuy nhiên, trong năm 2016 và cận Tết năm 2017, thị trường tiêu thụ heo đất tăng đột biến. Mỗi tháng trung bình lò nung của tôi làm được khoảng 7.000-9.000 con heo đất, bán ra thị trường được tiêu thụ rất nhanh. Riêng năm Đinh Dậu, để đáp ứng thêm nhu cầu của khách, lò nung có làm thêm mẫu con gà và được lái buôn thu mua nhanh chóng, mỗi tháng thu nhập 7-9 triệu đồng,” ông Hiệp cho biết.
Lò nung của hộ gia đình ông Lý Phú Cường, ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên cũng đang tất bật với những mẻ hàng sản xuất heo đất, gà đất cuối năm. Ông Cường cho biết, từ dịp cận Tết đến hết tháng Giêng âm lịch, những hộ gia đình làm heo đất nơi đây luôn bận rộn, phải làm cả ban đêm, sản xuất ra thị trường cả trăm nghìn con heo đất. Tuy nhiên lò nung ở đây chỉ đổ khuôn, làm thô, và đánh bóng heo đất rồi bán ra với giá từ 3.000 đồng – 8.000 đồng/con. Sau đó các hộ thu mua heo về vẽ, trang trí và bán heo đất giá cao hơn.
Đối với một số lò nung ở Tân Phước Khánh do không đủ nhân công nên họ chỉ làm heo, gà thô còn việc trang trí cho heo, gà giao cho các cơ sở khác. Đối với công đoạn làm đẹp cho heo đất, gà đất chủ yếu do các cơ sở tại Tân Phước Khánh, Lái Thiêu, Bình Nhâm, An Phú (thị xã Thuận An) đảm nhận.
Bà Ngô Thị Sắc, 57 tuổi, thợ vẽ tại phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An), có 30 năm trong nghề cho biết, heo và gà đất thô sau khi mua về được chủ hàng sơn thêm 1 lớp nền. Với bàn tay khéo léo của những người thợ, heo đất, gà đất được tô lên các lớp màu đỏ, vàng ngộ nghĩnh. Sau khi lớp sơn nền khô, những chú heo, gà đất này được chuyển sang cho thợ vẽ. Công đoạn này phải là những người thạo nghề lâu năm mới thổi hồn cho cái đuôi, bộ lông, đôi mắt… để những chú heo, gà đất trở nên sinh động.
Năm nay, năm con gà theo quan niệm dân gian “gà đẻ trứng vàng” nên lượng gà đất làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Hậu, chủ cơ sở làm heo đất tại Lái Thiêu nói, khoảng cuối năm ông nhập riêng gà thô khoảng 3.000 con. Giá gà thô từ 10.000 -30.000 đồng/con, sơn phết và tìm mối bán ra thị trường mỗi con lời vài nghìn đồng, đến vài chục nghìn đồng tùy hình dáng, kích thước gà.
Từ đầu tháng Chạp đến nay, gia đình ông nhận được rất nhiều đơn hàng từ khắp mọi nơi. Để đủ lượng hàng cung cấp cho khách, ông Hậu phải tuyển thêm 6 nhân công làm công đoạn chà nhám, sơn vẽ. Hàng của gia đình ông chủ yếu được bán tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây và cả sang thị trường Thái Lan, Campuchia.
Gia đình ông Thái Hòa, ngụ phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An đã có 3 đời theo nghề làm heo đất. Ông Hòa cho biết bình quân một lao động sống với nghề làm heo đất mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 100.000-120.000 đồng/12 giờ lao động.
Một con heo đất sau khi hoàn thành tất cả các khâu thì bán ra thị trường với đồng trừ các khoản chi phí người lao động lời không nhiều. Do đó, việc 20 hộ gia đình ở Lái Thiêu còn làm heo đất ở đây chủ yếu là yêu nghề hoặc do truyền thống của gia đình cần phải lưu giữ, chứ rất ít ai xác định đây là một nghề để phất lên làm giàu.
“Heo đất, gà đất xuất hiện và tồn tại trong đời sống này không chỉ là những chú heo, gà đất với ý nghĩa đơn thuần. Nó được bàn tay con người nhào nặn ra những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu, giúp những bậc phụ huynh dạy con cháu mình dành dụm, tiết kiệm, hoặc trang trí cho ngôi nhà thêm đẹp để đón Xuân vui vẻ, an lành,” ông Hòa chia sẻ./.